Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân phục vụ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

10:02, 22/02/2018

Với việc dùng chiếu xạ gây đột biến có chủ đích, phương pháp sàng lọc phân tử, định vị gen đột biến, tìm ra cơ chế biến đổi gen, chuyển và nhân gen đột biến, Viện đã tạo ra nhiều giống hoa, cây ăn trái, cây dược liệu có năng suất cao, chất lượng tốt, thành phần dinh dưỡng, hoạt chất sinh học cao, phù hợp với điều kiện khí hậu của địa phương, chống chịu được các loại dịch bệnh...

Mùa xuân này, đã 34 năm Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt trở lại hoạt động kể từ mùa xuân 1984 được các nhà khoa học Xô - viết giúp sức khôi phục. Là Lò phản ứng hạt nhân duy nhất của cả nước, vinh dự đóng chân trên thành phố hoa, Viện Nghiên cứu Hạt nhân (NCHN) luôn nêu cao ý thức trách nhiệm, coi việc nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế, xã hội địa phương Lâm Đồng như một sự “trả nghĩa” dành cho mảnh đất này; đặc biệt, việc ứng dụng kỹ thuật hạt nhân phục vụ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao được coi là một nhiệm vụ quan trọng.
 
Nhà khoa học Lê Văn Thức giới thiệu kỹ thuật ứng dụng bức xạ chọn giống và nhân giống bằng công nghệ nuôi cấy mô. Ảnh: Q.U
Nhà khoa học Lê Văn Thức giới thiệu kỹ thuật ứng dụng bức xạ chọn giống và nhân giống bằng công nghệ nuôi cấy mô. Ảnh: Q.U
Ứng dụng kỹ thuật bức xạ chọn tạo giống đột biến 
 
Phát triển lĩnh vực sinh học phóng xạ, ứng dụng kỹ thuật bức xạ chọn tạo giống đột biến đã đưa ngành chọn giống  lên một bước phát triển mới. Với việc dùng chiếu xạ gây đột biến có chủ đích, phương pháp sàng lọc phân tử, định vị gen đột biến, tìm ra cơ chế biến đổi gen, chuyển và nhân gen đột biến, Viện đã tạo ra nhiều giống hoa, cây ăn trái, cây dược liệu có năng suất cao, chất lượng tốt, thành phần dinh dưỡng, hoạt chất sinh học cao, phù hợp với điều kiện khí hậu của địa phương, chống chịu được các loại dịch bệnh. Cụ thể, từ các mẫu loài cây trồng bản địa, qua bức xạ sẽ làm đứt gãy một đoạn nhiễm sắc thể gây đột biến gen, tạo ra một giống mới cho hoa, quả, lá có màu, có vị khác nhau. Công nghệ nhân giống bằng nuôi cấy mô (Invitro) được thực hiện đã nhân nhanh giống đưa vào thực nghiệm, qua sàng lọc đã chọn được những giống ưu việt nhất phục vụ cho sản xuất đại trà. Qua đó, Viện đã chuyển giao các quy trình công nghệ nhân giống và sản xuất một số giống cây trồng có giá trị kinh tế cao như giống hoa (phong lan, địa lan, cúc) và cây trồng đặc sản (chuối laba), dược liệu quý hiếm (lan gấm)... Hàng năm cung cấp hàng trăm ngàn cây giống nuôi cấy mô sạch bệnh cho nông dân Đà Lạt và các huyện trong tỉnh. 
 
 Viện đã quan tâm bảo tồn lưu giữ nguồn gen quý hiếm các giống rau, hoa, cây trồng có giá trị, việc đó có ý nghĩa lớn trong bảo tồn đa dạng sinh học cho các nguồn gen gốc, giúp làm phong phú nguồn vật liệu lai tạo giống mới. Viện đã nghiên cứu hoàn thiện công nghệ chọn giống cùng một số loại nấm dược liệu quý và chuyển giao quy trình nuôi trồng cho nông dân. Với yêu cầu từ thực tiễn đặt ra, Viện NCHN đang tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu sự tương tác giữa thực vật với các yếu tố môi trường trong nông nghiệp công nghệ cao. Bên cạnh đó, Viện tiến hành nghiên cứu cơ bản về ứng dụng đồng vị phóng xạ kết hợp với phương pháp thủy canh để điều tiết dinh dưỡng cây trồng, kiểm soát nhu cầu dinh dưỡng từng loại cây trồng trong từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây, giảm thất thoát, tránh “bội thực” dinh dưỡng cho cây trồng, từng bước đưa chất lượng và hàm lượng dinh dưỡng của rau thủy canh đạt ngang bằng rau hữu cơ trồng trên đất. 
 
Giống chuối laba được sản xuất bằng phương pháp nuôi cấy mô. Ảnh: Q.U
Giống chuối laba được sản xuất bằng phương pháp nuôi cấy mô. Ảnh: Q.U
Nghiên cứu, sản xuất chế phẩm vi sinh vì nền nông nghiệp sạch
 
Thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực hóa học bức xạ, Viện đã nghiên cứu và hoàn thiện quy trình sản xuất các chế phẩm vi sinh phục vụ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Nhiều chế phẩm đã đưa ra thị trường, được người nông dân đánh giá cao như: chế phẩm kích thích tăng trưởng T&D, thuốc phòng và trị nấm bệnh thực vật Olicide, phân vi sinh Tricoderma, Bạc nano điều trị bệnh sưng rễ cây bắp cải do nấm, Nano Chitosan kích thích tăng trưởng, hạt polymer ngậm nước, chịu nhiệt độ cao, áp suất cao phục vụ cho sản xuất nông nghiệp vùng khô hạn... Các chế phẩm đều được điều chế bằng phương pháp chiếu xạ cắt mạch từ nguồn nguyên liệu thiên nhiên, thân thiện với môi trường, không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. 
 
Có thể kể, chế phẩm Olicide được điều chế từ vỏ tôm, cua có khả năng bảo vệ thực vật, phòng trừ bệnh, kích thích tăng trưởng, dùng để phòng và trị các loại nấm có hại cho cây trồng trên lá - thân - quả và cả trong môi trường đất, giá thể, diệt khuẩn gây hại rễ; hoàn toàn không độc, không gây hại cho con người và môi trường. Chế phẩm T&D được chiết xuất từ rong nâu, có tác dụng kích thích tăng trưởng, thúc đẩy sự nảy mầm của hạt giống, phát triển rễ, thân, lá của các loại cây trồng, bổ sung chất dinh dưỡng, làm tăng năng suất, chất lượng rau, hoa. Chế phẩm Nano Chitosan có tác dụng kích thích tăng trưởng cây trồng, bón cho đất màu mỡ, phòng trừ nấm bệnh, bảo vệ chất lượng trái cây, bảo quản rau, hoa sau thu hoạch, dùng cho sản xuất rau sạch, rau an toàn. Phân vi sinh Trichobac có tác dụng cải tạo đất, tăng độ phì, độ tơi xốp, giúp cây trồng hấp thu dinh dưỡng, sinh trưởng và phát triển tốt. Chế phẩm ổn định độ ẩm đất Nri Swa siêu hấp thu nước được tổng hợp từ nguồn nguyên liệu tự nhiên sẵn có như: bột xơ dừa, vỏ trấu, bột bã mía, bột gỗ sau khi trồng nấm, với dung lượng hấp thu nước hơn 300 lần, sản phẩm khi bón vào đất có công dụng ổn định độ ẩm, cung cấp chất dinh dưỡng, giảm tưới tiêu, tránh sốc nhiệt cho cây trồng; độ bền 6 tháng, tự phân hủy trong đất, không gây độc môi trường, là nguồn vật tư nông nghiệp tích cực cho sản xuất nông nghiệp “Sạch - bền vững”...  Ngoài ra, Viện đang nghiên cứu để sản xuất thuốc bảo vệ thực vật sinh học dạng nano chiết dịch từ tỏi ớt có nguồn gốc hoàn toàn hữu cơ, thân thiện với môi trường, không độc hại, thay thế thuốc bảo vệ thực vật hóa học, dùng một lượng nhỏ nhưng hiệu quả cao. 
 
Những nghiên cứu ứng dụng của Viện NCHN đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, góp phần không nhỏ vào phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Lâm Đồng, nâng cao đời sống vật chất của nhân dân địa phương. TS.Phan Sơn Hải - Viện trưởng Viện NCHN  cho biết: Trong thời gian tới, tiếp tục thực hiện Chiến lược Ứng dụng hạt nhân vì hòa bình, rất nhiều nhiệm vụ được đặt ra, trong đó Viện sẽ xây dựng Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân tạo tại Phường 12 - Đà Lạt, xây dựng Trung tâm Khoa học công nghệ hạt nhân... thì cơ hội đóng góp của Viện NCHN nói riêng và ngành năng lượng nguyên tử Việt Nam nói chung cho Lâm Đồng, đặc biệt là cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao, vì một nền nông nghiệp sạch, bền vững của tỉnh sẽ có điều kiện tăng cường hơn nữa; tất cả vì mong muốn cho mảnh đất xinh đẹp này không ngừng “nở hoa”!
 
QUỲNH UYỂN