Sẵn sàng cho "sân chơi" khoa học kỹ thuật quốc gia

09:03, 16/03/2018

Lần đầu tiên đăng cai tổ chức Cuộc thi nghiên cứu Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông năm học 2017 - 2018 khu vực phía Nam, Lâm Đồng hướng đến sự đặc trưng của địa phương cũng như tạo những điểm mới mẻ cho cuộc thi.

Lần đầu tiên đăng cai tổ chức Cuộc thi nghiên cứu Khoa học kỹ thuật (KHKT) cấp quốc gia học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông năm học 2017 - 2018 khu vực phía Nam, Lâm Đồng hướng đến sự đặc trưng của địa phương cũng như tạo những điểm mới mẻ cho cuộc thi.
 
Gian hàng giới thiệu các sản phẩm trải nghiệm sáng tạo của học sinh Lâm Đồng là điểm mới tại cuộc thi. Ảnh: V.H
Gian hàng giới thiệu các sản phẩm trải nghiệm sáng tạo của học sinh Lâm Đồng là điểm mới tại cuộc thi. Ảnh: V.H
Nét đặc trưng riêng
 
Trong tháng ba này, Lâm Đồng náo nức chuẩn bị đón chào một sự kiện lớn của ngành Giáo dục: lần đầu tiên “sân chơi” KHKT dành cho học sinh trung học cấp quốc gia được tổ chức tại thành phố hoa Đà Lạt. Cuộc thi thu hút 34 đoàn học sinh của 32 Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) khu vực phía Nam từ Đà Nẵng trở vào và 2 trường THPT thuộc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh. Với tổng số 417 học sinh cùng các giáo viên, dự kiến “sân chơi” sẽ đón khoảng 1.000 người. Đoàn Sở GDĐT thành phố Hồ Chí Minh tham dự đông nhất với 57 học sinh, tiếp đến là đoàn Lâm Đồng với 46 học sinh. 
 
Nhằm đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ cho Cuộc thi nghiên cứu KHKT cấp quốc gia học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông năm học 2017 - 2018, Sở Thông tin và Truyền thông đã yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh chỉ đạo các bộ phận trực thuộc tổ chức triển khai thực hiện các phương án đảm bảo an toàn mạng lưới và an ninh thông tin, ưu tiên xử lý sự cố, đảm bảo tuyệt đối an toàn thông tin liên lạc thông suốt trong thời gian diễn ra cuộc thi từ ngày 17/3 đến hết ngày 20/3/2018 tại Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt.

Địa điểm được chọn để “sân chơi” KHKT quốc gia diễn ra là Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt. Lý giải điều này, Phó Giám đốc Sở GDĐT Lâm Đồng Huỳnh Quang Long cho rằng: đây vừa là di tích lịch sử cấp quốc gia, lại là di tích đối với một địa chỉ giáo dục mà ít nơi có. Hình ảnh tháp chuông như một cây bút chì khổng lồ với ngòi bút nhọn, cao vút giữa khoảng trời mênh mông cùng dãy phòng học uốn cong mềm mại miêu tả hình dáng của cuốn sách là biểu tượng cho tính hiếu học, là con đường tri thức trải dài...

 
Thay vì tổ chức ở các trung tâm hội nghị hay khách sạn với các tiện nghi như những địa phương khác, Lâm Đồng chọn Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt - nơi có biểu tượng giáo dục là nét đặc trưng riêng. Tuy sân khấu chính xây dựng ngoài trời nhưng được trang bị mái che, nhà vòm đảm bảo cho các hoạt động của cuộc thi diễn ra bình thường dù trong điều kiện thời tiết bất lợi như mưa, nắng. Cùng với đó là các điều kiện về âm thanh, ánh sáng... phục vụ cho khoảng 1.000 đại biểu tham dự. 
 
Làm việc với Ban tổ chức Cuộc thi, Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Văn Việt cho rằng, đây là dịp để quảng bá về Đà Lạt - Lâm Đồng. Vì vậy, Ban tổ chức cần nghiên cứu xây dựng một số tour tham quan phù hợp với thời gian và điều kiện để giới thiệu cho các đoàn của các địa phương. 
 
Và những điểm mới
 
Ông Long cho biết thêm: điểm mới nhất tại cuộc thi năm nay được tổ chức tại Đà Lạt là có thêm khu trưng bày sản phẩm hoạt động nghiên cứu khoa học và trải nghiệm sáng tạo của học sinh Lâm Đồng. Lần đầu tiên, tại cuộc thi mang tính khoa học này có các gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm trải nghiệm sáng tạo gắn liền với hoạt động sản xuất, kinh doanh tại địa phương như sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, hoạt động du lịch văn hóa cồng chiêng, dệt thổ cẩm, các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp như trà, cà phê, rau, hoa, lụa tơ tằm... do chính tay học sinh làm ra. Đây là minh chứng cụ thể nhất cho hoạt động “học đi đôi với hành”, dạy học gắn liền với thực tiễn trong quá trình đổi mới phương pháp dạy - học. Trong chuyến đi khảo sát của Bộ GDĐT về việc chọn Lâm Đồng làm nơi đăng cai tổ chức cuộc thi năm nay, Bộ đã đánh giá cao về điểm mới này và xem đây là mô hình mẫu để các địa phương khác học tập. 
 
Đặc biệt, khu trưng bày còn có sự “góp mặt” của gian hàng với các sản phẩm do chính tay học sinh Trường Khiếm thính Lâm Đồng làm ra. Tại đây, chính học sinh khiếm thính sẽ tự trang trí gian hàng cũng như bán các sản phẩm của mình để phục vụ thêm cuộc sống. Đây được xem là tính nhân văn tại cuộc thi lần này. Đang tích cực sửa soạn các mẫu túi xách, bánh xà bông thơm hay các chậu cây cảnh, cô Nguyễn Thị Lợi - Phó Hiệu trưởng Trường Khiếm thính chia sẻ: “Đây là niềm vui cho cô và trò nhà trường. Bởi được có mặt tại “sân chơi” lớn này, trường sẽ có cơ hội giới thiệu những sản phẩm do học sinh khiếm thính làm ra. Qua đó, mọi người sẽ thấy rằng, các em dù khiếm khuyết về thính giác, ngôn ngữ nhưng bù lại, các em có sự khéo léo của đôi tay, sự tinh anh của đôi mắt,... các em vẫn lao động được, không là gánh nặng cho gia đình và xã hội”. 
 
Mọi điều kiện chuẩn bị đã sẵn sàng cho “sân chơi” mang tính khoa học “khai hội”. Đây sẽ là cơ hội để học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục Lâm Đồng giới thiệu kết quả nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, đồng thời, giao lưu văn hóa, trao đổi kinh nghiệm với các sở GDĐT các tỉnh phía Nam. 
 
VIỆT HÙNG