Khoa học công nghệ là "đòn bẩy" phát triển kinh tế, xã hội bền vững

09:05, 18/05/2018

Năm qua, hoạt động khoa học và công nghệ tiếp tục có nhiều đóng góp quan trọng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh. Khoa học công nghệ không ngừng khẳng định vai trò là "đòn bẩy", là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển bền vững, trong đó phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là "nét son" của ngành KH-CN địa phương.

Năm qua, hoạt động khoa học và công nghệ tiếp tục có nhiều đóng góp quan trọng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh. Khoa học công nghệ không ngừng khẳng định vai trò là “đòn bẩy”, là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển bền vững, trong đó phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là “nét son” của ngành KH-CN địa phương.
 
Ứng dụng kỹ thuật bức xạ, hạt nhân phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ảnh chụp tại Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp (thuộc Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam) trụ sở tại Đà Lạt. Ảnh: Q.U
Ứng dụng kỹ thuật bức xạ, hạt nhân phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ảnh chụp tại Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp (thuộc Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam) trụ sở tại Đà Lạt. Ảnh: Q.U
Năm 2017, Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng đã tiến hành nghiệm thu 6 nhiệm vụ KHCN, trong đó 4 nhiệm vụ đạt kết quả gồm các đề tài: Nghiên cứu giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di tích khảo cổ học Cát Tiên; Nghiên cứu đánh giá và phát huy sản phẩm du lịch đặc thù nhằm thu hút khách đến Đà Lạt - Lâm Đồng; Nghiên cứu các giải pháp phòng trừ tổng hợp bệnh thối rễ vàng lá cà phê ở Lâm Đồng; Chọn lọc, di thực, bình tuyển và thử nghiệm trồng một số giống bơ có năng suất cao, chất lượng tốt tại Lâm Đồng. Bên cạnh đó, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đã thực hiện triển khai 17 nhiệm vụ KHCN, nhiều nhiệm vụ đã đạt được kết quả bước đầu như các đề tài: Nghiên cứu chọn tạo bộ giống khoai tây có năng suất, chất lượng cao kháng mốc sương và chịu nhiệt có thể canh tác quanh năm tại Đà Lạt và vùng phụ cận; Khảo nghiệm một số giống cây ăn quả ôn đới đặc sản (đào, mận) có nguồn gốc nhập nội tại Đà Lạt, Lạc Dương; Nghiên cứu tuyển chọn một số giống cà phê chè (Coffee Arabica L.) đạt năng suất chất lượng cao tại Lâm Đồng; Nghiên cứu tác nhân gây bệnh là virus trên giống cá hồi và cá tầm; Nghiên cứu xây dựng mô hình du lịch dựa vào cộng đồng tại Lâm Đồng. Tiến hành quản lý 26 nhiệm vụ KHCN cấp huyện với nguồn kinh phí 3,83 tỷ đồng. 
 
Công tác quản lý nhà nước về công nghệ, thị trường công nghệ, sở hữu trí tuệ, an toàn bức xạ, thông tin phổ biến KHCN được quan tâm. Đã hướng dẫn, hỗ trợ 50 doanh nghiệp đăng ký nhãn hiệu, kiểu dáng công nghệ xây dựng thương hiệu, làm tăng giá trị cho sản phẩm đặc trưng của địa phương, quan tâm phát triển thương hiệu các sản phẩm thế mạnh đặc trưng của tỉnh như “Dâu tây Đà Lạt” đang đợi Cục Sở hữu trí tuệ xét cấp bằng, đăng ký thành công nhãn hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” cho các sản phẩm rau, hoa, cà phê Arabica, du lịch canh nông. Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, đời sống luôn được xem là nhiệm vụ quan trọng của các hoạt động KHCN. Trong năm qua, Trung tâm Ứng dụng Khoa học và Công nghệ (trực thuộc Sở) đã thực hiện 4 dự án trồng trọt, chăn nuôi và tiết kiệm năng lượng. Trong đó, dự án “Xây dựng mô hình trồng đẳng sâm thương phẩm theo hướng nông nghiệp công nghệ cao tại xã Đạ Chais (Lạc Dương)” đã trồng 500 m2 đẳng sâm, đào tạo 10 kỹ thuật viên cơ sở, hội thảo giới thiệu mô hình cho 50 hộ nông dân trong vùng. Dự án “Xây dựng mô hình trồng xen cây hoa hòe trong vườn cà phê” đã xây dựng 8 mô hình với diện tích 6 ha tại Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lâm, đã chuyển giao kỹ thuật, giới thiệu mô hình cho 120 hộ nông dân. Dự án “Hoàn thiện công nghệ nhằm tiết kiệm năng lượng trong đời sống tại các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh” đã tiến hành lắp đặt thử nghiệm 20 bộ bếp đun liên tục tại các huyện Đạ Tẻh, Cát Tiên, Lạc Dương, hướng dẫn vận hành, bảo dưỡng cho 40 lượt hộ nông dân. Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong chăn nuôi bò thịt chất lượng cao tại Lâm Đồng” đã xây dựng 18 mô hình với 36 bò cái nền lai sind và 2 bò đực giống Brahman, trồng 3,6 ha đồng cỏ tại các huyện Lâm Hà, Đức Trọng, Đơn Dương và Cát Tiên. Các dự án đã mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân vùng triển khai dự án. Đồng thời đã thực hiện thành công và bàn giao kết quả 13 dự án cho các địa phương, chuyển giao quy trình kỹ thuật giúp các hộ nông dân áp dụng vào sản xuất, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, mang lại hiệu quả.
 
Phát huy thế mạnh của địa phương về công nghệ tế bào thực vật, Trung tâm Ứng dụng KHCN tiếp tục sưu tầm, bảo tồn và phát triển nguồn gen giống cây trồng góp phần phục vụ chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh. Hiện nay đã sưu tầm, bảo tồn trong điều kiện cấy mô gần 100 giống cây trồng gồm các loại rau, hoa (cúc, địa lan, lá bép, phong lan, khoai môn sáp…), cây ăn quả (dâu tây, phúc bồn tử, chuối…), cây dược liệu (Atiso, đẳng sâm, lan gấm…). Từ nguồn gen của cây đầu dòng được kiểm tra sạch bệnh, hàng năm Trung tâm đã sản xuất, cung cấp giống cây các loại cho các doanh nghiệp. Đặc biệt, Trung tâm đã sưu tập, bảo tồn và phát triển nguồn gen hơn 100 chủng loài nấm ăn, nấm dược liệu; hàng năm sản xuất, cung cấp giống nấm các loài thuần chủng, đảm bảo năng suất, chất lượng cho nông dân và doanh nghiệp. Thực hiện chuyển giao thành công nhiều dự án về nấm ăn, nấm dược liệu, trong đó có “Xây dựng mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao nuôi trồng nấm linh chi đỏ trên hỗn hợp giá thể gỗ quế và nấm hương tại huyện Đơn Dương và Lạc Dương”. Sản phẩm nấm linh chi đỏ được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, được chấp nhận đăng ký bảo hộ thương hiệu và đã được chế biến thành thực phẩm chức năng đưa ra thị trường phục vụ sức khỏe con người…
 
ThS. Võ Thị Hảo - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng nhấn mạnh: Luôn thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Khoa học công nghệ phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng”, năm qua các hoạt động khoa học và công nghệ của tỉnh tiếp tục có nhiều đóng góp tích cực vì sự phát triển bền vững kinh tế, xã hội của địa phương. Những thành tựu KHCN đã phục vụ sản xuất, phục vụ đời sống, nâng cao năng suất lao động, không ngừng cải thiện đời sống, nâng cao chất lượng sống cho nhân dân.               
 
QUỲNH UYỂN