Dược liệu Lâm Ðồng qua những nghiên cứu mới

08:09, 14/09/2018

Hội thảo khoa học dược liệu Lâm Ðồng năm 2018 vừa giới thiệu và thông báo 6 đề tài nghiên cứu chuyên đề dược liệu đã thực hiện từ năm 2017-2018. Ðây là những thông tin mới trong nghiên cứu dược liệu địa phương.

Hội thảo khoa học dược liệu Lâm Ðồng năm 2018 vừa giới thiệu và thông báo 6 đề tài nghiên cứu chuyên đề dược liệu đã thực hiện từ năm 2017-2018. Ðây là những thông tin mới trong nghiên cứu dược liệu địa phương.
 
DƯỢC SĨ CHUYÊN KHOA II NGUYỄN THỌ BIÊN - Chủ tịch Hội Dược liệu Lâm Ðồng:  “Có nhiều nghiên cứu mới về dược liệu”
 
Dược sĩ Nguyễn Thọ Biên
Dược sĩ Nguyễn Thọ Biên
So với cả nước, Lâm Đồng có nhiều dược liệu nhất như tôi đã tổng hợp theo Danh lục tài nguyên dược liệu Lâm Đồng. Nhưng thực tế là dược liệu Lâm Đồng tuy số lượng rất nhiều nhưng trữ lượng hoặc giá trị kinh tế không cao lắm so với một số cây thuốc như Sâm Ngọc Linh ở Kon Tum. Nói chung, những cây thuốc đã di thực tại Lâm Đồng và trồng, nghiên cứu tại Lâm Đồng đều đã được trồng thành công nhưng chưa phát triển, khai thác để đem lại giá trị kinh tế cao. Theo tôi, bởi hiện nay, tại địa phương, cây hoa và rau chiếm diện tích nhiều hơn, về mặt kinh tế có giá trị cao hơn dược liệu nên dược liệu Lâm Đồng chưa phát triển được về nguồn lợi kinh tế.
 
Thực tế, chúng tôi đã đầu tư nghiên cứu, có nhiều đề tài tổng hợp nhưng chúng tôi chỉ chọn một số đề tài để thông tin tại hội thảo hàng năm. Ví dụ: vào năm 2016-2017, hội thảo về chuyên đề những cây thuốc có tính đặc trưng Lâm Đồng có thể phát triển được, còn năm 2018 này, chúng tôi có 6 đề tài mới mà từ trước đến nay chưa tiến hành nghiên cứu của các tác giả thuộc các viện, trường kết hợp với Hội Dược liệu tỉnh để thực hiện, như cây Thường xuân, Chanh dây, Viễn chí, Màn màn hoa vàng, Tam thất, cây Nim là cây làm thuốc chữa bệnh cho người và làm thuốc trừ sâu...
 
Từ năm 2012-2017, các hội viên Hội Dược liệu Lâm Đồng đã thực hiện 2 đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước, 1 đề tài cấp Bộ, 2 đề tài cấp tỉnh và 9 đề tài cấp cơ sở, nghiên cứu 17 mặt hàng mới về thuốc và thực phẩm chức năng.
 
Trong 6 đề tài vừa công bố đều có thể ứng dụng, phát triển được rộng rãi, ví dụ trồng cây Tam thất khi đã nghiên cứu rồi có thể đưa ra sản xuất thí điểm và trồng đại trà; nghiên cứu về cây Thường xuân đã có kết quả và sẽ nghiên cứu tiếp để có thể ra những mặt hàng thuốc; hay cây Viễn chí qua nghiên cứu về thành phần hóa học, sẽ tiếp tục nghiên cứu để trồng và sau này phát triển lên; cây Màn màn hoa vàng (Màn ri vàng) đã nghiên cứu thành phần hóa học và hoạt tính bảo vệ gan; cây Nim cũng có khả năng phát triển ứng dụng được để sản xuất thuốc. Thực ra, nghiên cứu dược liệu để đưa ra được một mặt hàng phức tạp lắm chứ không đơn giản bởi cần nghiên cứu về thành phần hóa học, về chất lượng điều trị...
 
PGS-TS TRỊNH THỊ ÐIỆP - Trường Ðại học Ðà Lạt: “Cây Thường xuân ở Ðà Lạt là nguồn nguyên liệu làm thuốc tiềm năng”
 
PGS-TS Trịnh Thị Điệp
PGS-TS Trịnh Thị Điệp
Cây Thường xuân (Hedera helix L.) và các Saponin của nó đã được nghiên cứu và sử dụng phổ biến làm thuốc điều trị ho và viêm đường hô hấp ở châu Âu. Trong khi đó, cây Thường xuân được trồng làm cây cảnh khá phổ biến ở Đà Lạt nhưng chưa từng được nghiên cứu để sử dụng chữa bệnh. Là một cây thuốc cổ truyền của các nước châu Âu, cây Thường xuân rất phù hợp phát triển trong điều kiện khí hậu mát mẻ quanh năm của Đà Lạt. Đây chính là một nguồn nguyên liệu làm thuốc tiềm năng, có thể góp phần tạo ra một sản phẩm thuốc mới được sản xuất tại Việt Nam thay cho thuốc ngoại nhập. Vì vậy, chúng tôi đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu thành phần hóa học và quy trình chiết xuất hoạt chất từ dây Thường xuân trồng ở Đà Lạt (Hedera helix L., Araliaceae) làm nguyên liệu sản xuất thuốc điều trị ho và viêm đường hô hấp”, nhằm đánh giá thành phần hoạt chất của nguồn nguyên liệu trồng ở địa phương này, khảo sát điều kiện chiết xuất hoạt chất chữa ho từ dây Thường xuân, hướng tới tạo sản phẩm thuốc hoặc thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị ho và viêm đường hô hấp từ nguồn nguyên liệu này.
 
Qua điều tra khảo sát nguồn nguyên liệu Thường xuân Hedera tại Đà Lạt cho thấy chỉ có loài H. helix với 2 giống khác nhau về màu lá (lá xanh và lá khảm viền trắng hay vàng nhạt); trữ lượng khoảng 600 kg lá tươi; cây sinh trưởng và phát triển tốt, ít sâu bệnh.
 
Bằng các phương pháp sắc ký, chúng tôi đã phân lập được 5 hợp chất tinh khiết và đã nhận dạng được cấu trúc hóa học của 5 hợp chất đó. Xây dựng được phương pháp định lượng các hợp chất trong lá và thân dây Thường xuân bằng sắc ký lỏng hiệu năng cao, xác định hàm lượng của các hợp chất có trong dây Thường xuân. Qua đó, chúng tôi đã xây dựng được quy trình chiết xuất hoạt chất từ lá Thường xuân, áp dụng ở quy mô 5kg/mẻ, hiệu xuất chiết đạt 22,82 - 25,50% so với khối lượng dược liệu khô kiệt. Sản phẩm cao chiết thu được dưới dạng bột khô màu nâu, chứa 18,63 - 26,17% hederacosid C. Xây dựng được tiêu chuẩn cơ sở cho nguyên liệu lá Thường xuân, trong đó quy định hàm lượng hederacosid C không được thấp hơn 3% và đã xây dựng được tiêu chuẩn cơ sở cho cao chiết xuất từ lá Thường xuân, trong đó quy định hàm lượng hederacosid C không được thấp hơn 10%.
 
Hướng ứng dụng của đề tài qua kết quả nghiên cứu khẳng định cây Thường xuân tại Đà Lạt có hàm lượng hoạt chất cao, là nguyên liệu tốt cho chiết xuất hoạt chất làm thuốc chữa ho và viêm đường hô hấp. Đây là căn cứ cho việc phát triển, nhân rộng vùng trồng dây Thường xuân tại Đà Lạt và vùng phụ cận. Cần tiếp tục nghiên cứu quy trình nhân giống, trồng và chăm sóc cây Thường xuân tại Đà Lạt, tạo nguồn nguyên liệu ổn định cho chiết xuất hoạt chất làm thuốc. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, áp dụng quy trình chiết xuất hoạt chất từ lá Thường xuân vào sản xuất và bào chế các dạng thuốc hoặc thực phẩm chức năng phù hợp và chuyển giao quy trình sản xuất cho một công ty sản xuất sản phẩm từ dược liệu để ứng dụng sản xuất và bào chế sản phẩm thương mại.
 
AN NHIÊN