Khởi nghiệp bằng ý tưởng "biến" nước biển thành nước ngọt

08:11, 21/11/2018

Hình ảnh những con tàu đánh cá ra khơi bám biển phải mang theo lỉnh kỉnh những chiếc can nhựa chứa nước ngọt chiếm chỗ không nhỏ trên tàu đã thôi thúc nhóm 5 sinh viên Khoa Môi trường và tài nguyên (Trường Ðại học Ðà Lạt) hình thành một ý tưởng khởi nghiệp táo bạo.
 

Hình ảnh những con tàu đánh cá ra khơi bám biển phải mang theo lỉnh kỉnh những chiếc can nhựa chứa nước ngọt chiếm chỗ không nhỏ trên tàu đã thôi thúc nhóm 5 sinh viên Khoa Môi trường và tài nguyên (Trường Ðại học Ðà Lạt) hình thành một ý tưởng khởi nghiệp táo bạo.
 
Nhóm sinh viên đoạt giải nhất Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp tỉnh Lâm Đồng lần thứ I - 2018. Ảnh: Q.U
Nhóm sinh viên đoạt giải nhất Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp tỉnh Lâm Đồng lần thứ I - 2018. Ảnh: Q.U

Đó là Dự án “Máy lọc nước biển thông minh Version 1” bằng công nghệ chưng cất màng MD (Membrane distillation) vừa đoạt giải nhất Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp và mô hình khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Lâm Đồng lần thứ I - 2018 một cách đầy thuyết phục. Dự án vừa có tính khả thi và tính cạnh tranh cao, lại vừa hướng tới lợi ích cộng đồng nhằm giải quyết khó khăn về nước sinh hoạt cho ngư dân lênh đênh trên biển, coi biển là nhà. 
 
Ý tưởng khởi nghiệp táo bạo
 
Sau nhiều năm nghiên cứu về công nghệ chưng cất màng MD, TS. Nguyễn Công Nguyên đã nghĩ đến một máy lọc nước biển thông minh từ ứng dụng màng MD. Từ ý tưởng sáng tạo và tâm huyết của thầy đã trở thành ý tưởng khởi nghiệp táo bạo của nhóm học trò. Cả thầy và trò cùng hợp sức đưa công nghệ tiến xa hơn một bước nhằm thương mại hóa, đồng thời giải bài toán khó là tàu cá thiếu nước ngọt sinh hoạt cho ngư dân miền biển. 
 
Dự án “Máy lọc nước biển thông minh Version 1” của nhóm sinh viên Lê Kiều Phượng, Trương Minh Quốc, Ngô Thị Thu Thảo, Nguyễn Văn Tuấn, Nguyễn Thị Lài dưới sự chuyển giao công nghệ của 2 giảng viên: TS. Nguyễn Công nguyên và TS. Nguyễn Thị Hậu đã được đánh giá cao về tính thực tiễn. 
 
Công nghệ chưng cất màng (Membrane distillation - chưng cất màng) là công nghệ mới chưa có nhiều ứng dụng tại Việt Nam. Với nguyên lý hoạt động: Màng MD kị nước, hoạt động dựa trên sự chênh lệch nhiệt độ giữa dòng nóng và dòng lạnh. Màng bên dòng nóng khi được gia nhiệt sẽ ở trạng thái hơi và chỉ cho hơi nước sạch băng qua. Các chất bẩn, vi khuẩn, ion kim loại… sẽ được giữ lại bên kia màng. Máy lọc nước biển thông minh cũng cho phép tận dụng các nguồn nhiệt trên tàu biển (như nhiệt tỏa ra từ động cơ nổ, động cơ diesel) sẽ tiết kiệm năng lượng trong quá trình lọc. Hệ thống dễ lắp đặt, dễ bảo trì, kích thước không cố định mà tùy biến theo quy mô của tàu có thể có công suất lọc 20 lít/giờ, 40 lít/giờ, 80 lít/giờ và 100 lít/giờ, có thể lắp cho cả tàu lớn, vừa và tàu nhỏ. Sự khác biệt của “Máy lọc nước biển thông minh Version 1” chính là công nghệ chưng cất màng MD.
 
Hiện tại, trên thị trường đã có các loại máy lọc nước biển ứng dụng công nghệ RO (Reverse Osmosis) với bơm áp suất cao, hoạt động theo nguyên lý thẩm thấu ngược. Đây là giải pháp màng lọc kỹ thuật nhằm loại bỏ nhiều phân tử lớn tồn tại dưới dạng hòa tan bằng cách dùng áp lực của máy bơm đẩy nước qua màng bán thấm. Kết quả là các muối khoáng hòa tan được giữ lại ở phía bên kia áp lực của màng và chỉ cho nước sạch gần như tinh khiết đi qua một cách chọn lọc. Máy lọc nước RO sử dụng bơm áp lực lớn, có nhược điểm hao tốn điện năng đến hơn 3kWh cho 1m 3 nước, màng dễ bị bám bẩn, tuổi thọ của màng thấp, giá thành cao 70 - 100 triệu đồng/máy, xử lý muối chưa cao, hiệu quả xử lý chỉ đạt 99%. 
 
Tính khả thi và tính cạnh tranh cao của dự án khởi nghiệp
 
Máy lọc nước biển công nghệ MD (màng chưng cất) của nhóm sinh viên ưu việt hơn máy lọc ứng dụng công nghệ RO (thẩm thấu ngược) ở mọi khía cạnh: tiết kiệm năng lượng, màng ít bị bám bẩn, tuổi thọ của màng cao, hiệu quả xử lý nước đạt 99,9%, giảm diện tích, dễ vận hành, môi trường xanh, sạch, bền vững. Mỗi máy thành phẩm được cấu thành với 8 chi tiết gồm: 4 màng MD do Đài Loan sản xuất, bồn inox, máy bơm, ống dẫn nước, tủ điện điều khiển, sơn và thiết bị bảo vệ, bể chứa và van. Các bạn sinh viên đã hạch toán tổng chi phí mua sắm các chi tiết thiết bị là 38 triệu đồng, thành phẩm hoàn thiện sẽ bán với giá 50 triệu đồng/máy. Với công nghệ ưu việt hơn, giá thành lại rẻ hơn, tính cạnh tranh của dự án là khá cao. 
 
Mặt khác, đất nước ta có đường bờ biển dài 3.260 km (chưa kể hàng ngàn đảo lớn nhỏ), biển là không gian sinh tồn của cả dân tộc, đi biển đánh cá là một nghề truyền thống từ bao đời. Hiện nay, có hơn 200.000 tàu đánh cá lớn nhỏ, hàng triệu ngư dân thường xuyên trên biển. Vấn đề nguồn nước ngọt sinh hoạt trong những ngày vươn khơi bám biển, đánh bắt xa bờ ròng rã cả tháng là khó khăn lớn. Chỉ tính riêng 5 tỉnh duyên hải Nam Trung bộ: Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi đã có 10.031 tàu đánh cá đánh bắt xa bờ. Máy lọc nước biển công nghệ MD ra đời là giải pháp hữu ích phục vụ ngư dân coi tàu là nhà. Cùng với định hướng phát triển kinh tế vươn ra biển, cùng Nghị định 17/2018 của Chính phủ hỗ trợ đóng mới tàu cá tối đa 6,7 tỷ đồng/tàu cho ngư dân là cơ sở quan trọng, là thuận lợi lớn cho dự án của nhóm sinh viên thành hiện thực. 
 
Trong thời gian tới nhóm sẽ tiếp tục nghiên cứu chế tạo màng MD, để không phải nhập khẩu thiết bị, nhằm giảm giá thành; đồng thời thiết kế hoàn thiện để máy lọc cung cấp nước ổn định. Sau đó sẽ đưa vào thử nghiệm tại vùng biển Ninh Thuận. Tuy nhiên, kinh phí thực nghiệm và sản xuất thương mại vượt quá khả năng của những sinh viên còn đang học tập ở giảng đường, nhóm rất cần sự đồng hành phối hợp đầu tư của các doanh nghiệp, để hoàn thiện công nghệ, sớm đưa sản phẩm vào cuộc sống, biến nước biển thành nước ngọt phục vụ ngư dân đi biển, cư dân sống trên các vùng đảo và bộ đội biên phòng.
 
QUỲNH UYỂN