Y tế thông minh

09:01, 01/01/2019

Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin (CNTT) quyết định sự phát triển của ngành y tế như: Khám chữa bệnh, quản lý bệnh viện, dự báo dịch bệnh, quản lý trang thiết bị y tế, quản lý dược, tiêm chủng, đào tạo, nghiên cứu khoa học công nghệ và chuyển giao kỹ thuật.

Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin (CNTT) quyết định sự phát triển của ngành y tế như: Khám chữa bệnh, quản lý bệnh viện, dự báo dịch bệnh, quản lý trang thiết bị y tế, quản lý dược, tiêm chủng, đào tạo, nghiên cứu khoa học công nghệ và chuyển giao kỹ thuật.
 
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lắng nghe chủ nhà thuốc ở Đà Lạt trình bày về ứng dụng nối mạng các nhà thuốc. Ảnh: D.H
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lắng nghe chủ nhà thuốc ở Đà Lạt trình bày về ứng dụng nối mạng các nhà thuốc. Ảnh: D.H
Lập hồ sơ quản lý sức khỏe người dân   
 
Năm 2017, Lâm Đồng là địa phương được Bộ Y tế chọn triển khai đề án thí điểm khám và lập hồ sơ quản lý sức khỏe cho người dân trên địa bàn tại 3 xã: Đạ Sar (Lạc Dương), thị trấn D’Ran (Đơn Dương) và xã Triệu Hải (Đạ Tẻh). Qua một năm thí điểm, Sở Y tế đã đánh giá kết quả đề án đạt mục tiêu tổ chức thực hiện quản lý sức khỏe toàn diện, liên tục cho người dân tại các xã này thông qua việc lập hồ sơ quản lý sức khỏe, có đầy đủ thông tin cần thiết và các chỉ số theo dõi sức khỏe. Phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe người dân được Viettel Lâm Đồng cung cấp miễn phí trong thời gian thí điểm. Kết quả, ngành Y tế đã tổ chức khám cho 20.607 người trên 22.357 khẩu ở 3 xã điểm (chiếm 92,17%) với tổng hồ sơ được nhập phần mềm hệ thống là 20.607 hồ sơ, đạt 100% tổng số khám. 
 
Phần mềm hồ sơ quản lý sức khỏe cho người dân tích hợp được các thông tin: bệnh không lây nhiễm, bệnh mạn tính, bệnh truyền nhiễm, tra cứu được thông tin sức khỏe của từng người dân như thông tin hành chính (mã y tế cá nhân, mã BHXH, mã hộ gia đình, quan hệ chủ hộ, khai sinh, dân tộc…), thông tin sức khỏe (nhóm máu, chiều cao, cân nặng, dị ứng, yếu tố nguy cơ, tiền sử bệnh tật, tiền sử gia đình…), lịch sử khám chữa bệnh (bệnh sử, chẩn đoán, nơi khám, bác sĩ khám, thời gian khám…), phần mềm đã liên thông với dữ liệu từ hệ thống tiêm chủng quốc gia.
 
Ứng dụng CNTT kết nối các nhà thuốc 
 
Thực hiện chủ trương của Bộ Y tế, ngành Y tế Lâm Đồng đã triển khai ứng dụng CNTT kết nối cơ sở cung ứng thuốc theo lộ trình thực hiện: cơ sở bán lẻ thuốc (đối với nhà thuốc và tủ thuốc trạm y tế xã từ ngày 1/1/2019, quầy thuốc từ ngày 1/1/2020) phải có thiết bị và triển khai ứng dụng CNTT, thực hiện kết nối mạng, bảo đảm kiểm soát xuất xứ, giá cả, nguồn gốc thuốc mua vào, bán ra; có cơ chế chuyển thông tin về việc mua bán thuốc, chất lượng thuốc giữa nhà cung cấp với khách hàng cũng như việc chuyển giao thông tin cho cơ quan quản lý liên quan khi được yêu cầu.
 
BS Trịnh Văn Quyết - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Sở đã phối hợp với Viettel Lâm Đồng tổ chức tập huấn sử dụng phần mềm quản lý nhà thuốc đến từng nhà thuốc, cơ sở bán lẻ thuốc và các đơn vị khám chữa bệnh trên địa bàn. Hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 800 cơ sở bán lẻ thuốc, trong đó, có 170 nhà thuốc, còn lại là quầy thuốc và đại lý thuốc. Đến nay, đã cài đặt phần mềm được 84 nhà thuốc, có 14 nhà thuốc đã nhập dữ liệu. Mục tiêu là kết nối liên thông từ nhà thuốc, quầy thuốc, tủ thuốc trạm y tế xã và các doanh nghiệp kinh doanh thuốc trong tỉnh đến Cục quản lý Dược (Bộ Y tế). Để thực hiện hiệu quả việc kết nối mạng các cơ sở cung ứng thuốc trên địa bàn toàn tỉnh, Sở Y tế đã đề xuất tỉnh xây dựng chính sách hỗ trợ về trang thiết bị phục vụ việc kết nối cho các cơ sở có quy mô nhỏ, cơ sở thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn. 
 
Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã đi kiểm tra thực tế một số nhà thuốc trên địa bàn Đà Lạt và khảo sát việc ứng dụng CNTT kết nối các cơ sở cung ứng thuốc. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đánh giá cao những nỗ lực của chính quyền và ngành y tế địa phương, cũng như các doanh nghiệp, nhà thuốc trong việc ứng dụng CNTT kết nối các cơ sở cung ứng thuốc, hướng đến tính  công khai, minh bạch và sự hài lòng của khách hàng, bệnh nhân. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Công nghệ 4.0 này sẽ giúp người dân dễ dàng tiếp cận, thuận tiện tra cứu thông tin về nguồn gốc, chất lượng, hạn sử dụng, giá cả từng loại thuốc; cơ quan nhà nước có thêm công cụ quản lý thuốc trên phạm vi toàn quốc, kiểm soát việc kê đơn, mua bán thuốc theo đơn, tăng cường công khai, minh bạch trong quản lý thuốc”.
 
Đà Lạt xây dựng nền y tế thông minh 
 
Đà Lạt vừa công bố đề án xây dựng TP Đà Lạt trở thành thành phố thông minh vào năm 2025, trong đó có lĩnh vực y tế. Theo thạc sĩ - BS Nguyễn Thị Hiếu Hòa - Giám đốc Trung tâm Y tế Đà Lạt, việc ứng dụng CNTT của ngành Y tế thành phố được triển khai từ nhiều năm qua. Cụ thể như: ứng dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành trong chương trình chung của thành phố; ứng dụng hệ thống cấp phát số tự động tại phòng khám đa khoa trung tâm giúp giảm thời gian chờ đợi cho bệnh nhân khi đến khám chữa bệnh. 
 
Từ năm 2017, việc ứng dụng CNTT trong quản lý khám chữa bệnh và thanh quyết toán BHYT được triển khai thí điểm tại tất cả các đơn vị thuộc Trung tâm Y tế Đà Lạt. Đến nay, đã cơ bản đáp ứng các yêu cầu: Kết nối liên thông với cổng giám định của cơ quan BHXH, đưa thông tin trên cổng dữ liệu y tế của Bộ Y tế, hỗ trợ trong công tác quản lý khám chữa bệnh, thanh quyết toán BHYT, theo dõi tình hình bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh, thống kê, đánh giá tình tình bệnh tật, quản lý thuốc… Trong năm 2019, Trung tâm Y tế Đà Lạt sẽ tiếp tục phối hợp với đơn vị cung ứng dịch vụ để nâng cấp, hoàn thiện phần mềm, nâng cao chất lượng dữ liệu, đáp ứng các yêu cầu mới trong công tác quản lý; tiếp tục triển khai cho cả các đối tượng không có BHYT và có BHYT. 
 
Trung tâm Y tế Đà Lạt cũng đã phối hợp với các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh tổ chức khám, lập hồ sơ sức khỏe cho gần 700 người cao tuổi trên địa bàn các xã Xuân Trường và Trạm Hành. Đây là cơ sở dữ liệu để triển khai điểm quản lý hồ sơ sức khỏe người dân tại 2 xã. 
 
Việc ứng dụng CNTT của ngành còn một số khó khăn cần khắc phục như: Trình độ CNTT của cán bộ y tế không đồng đều; nhiều máy tính đã cũ, xuống cấp; đang có nhiều cơ sở dữ liệu nhưng chưa liên thông được để giảm bớt công sức của cán bộ y tế và giảm chi phí, nâng cao hiệu quả quản lý. 
 
Giai đoạn 2019 - 2025, để góp phần xây dựng thành phố Đà Lạt trở thành thành phố thông minh, ngành Y tế TP Đà Lạt tiếp tục triển khai theo kế hoạch sẽ mở rộng phân hệ quản lý y tế cơ sở và quản lý hồ sơ sức khỏe người dân trên cơ sở liên thông các dữ liệu đã có từ hệ thống quản lý khám chữa bệnh và thanh quyết toán BHYT; đồng thời cập nhật và đồng bộ dữ liệu về dân số, thông tin thẻ BHYT, bổ sung các thông tin hành chính, thông tin sức khỏe ban đầu của người dân theo quy định biểu mẫu hồ sơ quản lý sức khỏe của Bộ Y tế.
 
AN NHIÊN