Nhật Bản công bố trợ lý robot cho Thế vận hội Tokyo 2020

11:03, 29/03/2019

Ban tổ chức Olympic và Paralympic Tokyo 2020 đã tiết lộ hai robot và một bộ khung robot sẽ được triển khai để giúp công nhân và người tham dự.

Ban tổ chức Olympic và Paralympic Tokyo 2020 đã tiết lộ hai robot và một bộ khung robot sẽ được triển khai để giúp công nhân và người tham dự.
 
Toyota cho biết họ hy vọng những robot này sẽ được bán cho công chúng vào năm 2030
Toyota cho biết họ hy vọng những robot này sẽ được bán cho công chúng vào năm 2030
 
Khi Thế vận hội (Olympic) đến London vào năm 2012, ban tổ chức đã dựa vào một đội quân người tình nguyện để giúp đỡ các đoàn thể thao và cổ động viên, báo chí. Nhưng trong dịp Olympic đến với Tokyo vào năm 2020, mọi người sẽ được những robot đảm nhận một số nhiệm vụ tương tự của các tình nguyện viên con người.
 
Mới đây, ban tổ chức Olympic và Paralympic Tokyo 2020 đã tiết lộ hai robot và một bộ khung robot sẽ được triển khai để giúp đỡ công nhân và người tham dự hai sự kiện thể thao này.
 
Hai robot, được sản xuất bởi Toyota, sẽ hướng dẫn mọi người đến chỗ ngồi của họ, cung cấp thông tin và mang theo thức ăn, đồ uống. Đó là robot hỗ trợ con người (HSR), có cánh tay tích hợp để lấy khay và giỏ, và robot hỗ trợ giao hàng (DSR), trông giống như thùng rác di động nhưng cũng có thể chở các vật phẩm xung quanh.
 
Mười sáu robot sẽ được triển khai tại các địa điểm của Olympic Tokyo 2020 và ban tổ chức hy vọng chúng sẽ đặc biệt hữu ích cho người dùng khuyết tật.
 
"Trong Olympic Tokyo, sẽ có nhiều khách là người khuyết tật và chúng tôi muốn họ thưởng thức các môn thi đấu mà không phải lo lắng về khả năng di chuyển của họ" - Tổng Giám đốc Toyota Minoru Yamauchi nói.
 
Toyota cho biết họ hy vọng những robot này sẽ được bán cho công chúng vào năm 2030. Trong những năm gần đây, nhà sản xuất ôtô Nhật Bản đã đầu tư thêm nguồn lực vào công nghệ robot, nhằm mục đích mở rộng kinh doanh cung cấp các giải pháp di động ở Nhật Bản.
 
Ngoài các con robot ở trên, bộ khung robot được gọi là Power Assistant Suit do Panasonic sản xuất cũng sẽ được sử dụng. Bộ khung này sẽ được các công nhân mặc để giúp họ nâng và di chuyển các vật nặng và hành lý.
 
"Chúng tôi muốn có một xã hội, nơi mọi người có thể làm việc mà không cần quan tâm đến sự khác biệt giới tính hay chênh lệch tuổi tác", Tổng giám đốc của Panasonic Yoshifumi Uchida nói. "Khi bạn đang mang một chiếc vali hoặc một chiếc hộp nặng, đây là lúc bộ đồ trợ lực này trở nên có giá trị".
 
Olympic thường là cơ hội để các quốc gia chủ nhà thể hiện thành tựu văn hóa hoặc công nghệ. Và thực sự, trong lần Nhật Bản đăng cai Thế vận hội năm 1964, nước này đã ra mắt tàu cao tốc Shinkansen mang tính biểu tượng của mình. Thế vận hội năm 1964 cũng được coi là bước ngoặt của Nhật Bản khi chuyển mình từ một quốc gia hồi phục sau sự tàn phá của Chiến tranh Thế giới thứ hai sang một quốc gia phát triển.
 
(Theo Tuổi Trẻ)