Phó Thủ tướng cho rằng các nước ASEAN cần đi đầu về 5G, thay vì chỉ thụ hưởng công nghệ như giai đoạn 2G, 3G và 4G.
Phó Thủ tướng cho rằng các nước ASEAN cần đi đầu về 5G, thay vì chỉ thụ hưởng công nghệ như giai đoạn 2G, 3G và 4G.
Chia sẻ tại Hội nghị ASEAN về 5G, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, đã có nhiều chuyên gia, nhà kinh doanh nhận định những năm cuối của thập niên này và những năm đầu của thập niên sau sẽ là hai từ khoá 5G và 8K. Đứng trước sự thay đổi, tiến bộ của công nghệ, ai chủ động, tiên phong đi đầu thì sau này đều là những cá nhân, tổ chức , khu vực... thành công hơn.
"Khi thế giới triển khai 2G, 2,5G, 3G rồi 4G, các nước ASEAN gần như chỉ là đối tác thụ hưởng công nghệ. Khi đó, các nhà sản xuất thiết bị viễn thông nổi tiếng thế giới mang thiết bị, giải pháp đến khu vực để bán, còn chúng ta khai thác. Với sự thay đổi công nghệ, một số nước trong khu vực đã chú trọng hơn đến nghiên cứu thiết bị phần cứng, phần mềm... và chúng ta cần hợp tác, chia sẻ, trao đổi để đóng góp trí tuệ, công nghệ nhiều hơn so với các thế hệ trước", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
|
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng 5G và 8K là hai từ khoá quan trọng trong những năm cuối thập niên này |
Đồng quan điểm với Phó Thủ tướng, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, cho rằng: "Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, khi công nghệ mới như 5G xuất hiện, tương lai không nằm trên đường kéo dài của quá khứ. Các nước ASEAN có cơ hội bứt phá, nhưng phải là một tư duy mới, không truyền thống, không tuần tự. Các quản lý nhà nước, doanh nghiệp đều cần một sự đột phá trong tư duy, trong chính sách và trong cách tiếp cận".
Một sự tiếp cận được khuyến nghị là tiếp cận theo các pha. Pha đầu là sự bổ sung, tăng dung lượng 5G cho 4G tại các thành phố lớn, tiếp theo là ứng dụng IoT diện rộng và cuối cùng là sự xuất hiện của 5G trong tất cả các lĩnh vực.
"Công nghệ 5G sẽ tạo ra một cuộc cách mạng về kết nối. Công nghệ 2G, 3G, 4G, kết nối 7 tỷ người thì 5G kết nối hàng nghìn tỷ thiết bị, truyền tải toàn bộ thế giới vật lý vào thế giới ảo, thay đổi cơ bản cuộc sống loài người khi vạn vật cất tiếng nói như con người. Đây là sứ mạng của 5G", ông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng, 5G sẽ là trụ cột, là cơ sở hạ tầng quan trọng của nền kinh tế số nhờ những tính năng vượt trội như: băng rộng, tốc độ rất cao, mật độ kết nối truyền thông không dây rất cao, độ trễ thấp, đáp ứng nhanh.
Trong khi đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thừa nhận, trước một công nghệ mới như 5G, giai đoạn đầu bao giờ cũng tồn tại nhiều khó khăn. Khó khăn trước hết là với các nhà cung cấp dịch vụ, vì nếu tính đơn thuần về lợi nhuận, ít doanh nghiệp sẽ có lợi nhuận trực tiếp khi đi đầu. Khó khăn tiếp theo là với những người sử dụng đầu tiên. Tuy nhiên, 5G cộng với các công nghệ khác không chỉ giúp từng cá nhân tiếp cận thông tin nhanh hơn, phục vụ sống và giải trí mà còn giúp sáng tạo tốt hơn, có cơ hội là trung tâm của sự phát triển bền vững. Các đơn vị, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ mới sẽ nắm bắt được cơ hội lớn thời gian đầu cũng không hề đơn giản.
Trước những khó khăn như vậy, ông Vũ Đức Đam đặt câu hỏi, liệu chính phủ cứ để cho những công nghệ như 5G phát triển, cứ để doanh nghiệp cung ứng dịch vụ viễn thông tự kinh doanh, cứ để doanh nghiệp ứng dụng tự tìm tòi, đổi mới phương thức sản xuất; hay chính phủ cần có những hành động chủ động hơn để hỗ trợ, giúp các doanh nghiệp tự tin, bớt rủi ro hơn trong những bước đầu.
Hội nghị ASEAN về 5G, diễn ra ngày 21-22/3 tại Hà Nội, là một trong các sáng kiến của Việt Nam nhằm đẩy mạnh phối hợp trong khu vực về chính sách, đầu tư, phát triển công nghệ, dịch vụ và ứng dụng 5G. Hội nghị cũng thảo luận những khó khăn, thách thức mà ASEAN sẽ phải đối mặt và cần phối hợp khi triển khai xây dựng hệ sinh thái cho mạng 5G (5G Ecosystem).
Với chủ trương khi thế giới triển khai 5G thì Việt nam cũng sẽ là những nước đầu tiên triển khai 5G, ngay từ đầu 2019, Bộ TTTT đã triển khai cấp phép tần số cho các doanh nghiệp để triển khai thử nghiệm 5G tại Hà Nội và TP HCM. Việt Nam cũng đang tập trung phát triển các doanh nghiệp công nghệ và sản xuất các thiết bị IOT, thiết bị viễn thông, chipset 5G, camera giám sát...
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng đề nghị mỗi nước ASEAN cần tích cực chủ trì triển khai một sáng kiến phù hợp và chia sẻ với các nước khác, qua đó nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực và phát huy được thế mạnh chung của ASEAN. Với thông điệp "ASEAN cùng nhau làm, cùng nhau phát triển", các nước ASEAN cần tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng số, hợp tác chặt chẽ để rút ngắn khoảng cách phát triển với các nước tiên tiến.
Theo Vnexpress.net