Ứng dụng công nghệ sinh học nhân giống thành công cây lá bép

09:03, 14/03/2019

Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên (trụ sở tại Đà Lạt) vừa nghiên cứu nhân giống thành công cây lá bép bằng phương pháp in-vitro (nuôi cấy mô) và nuôi trồng ex-vitro. 

Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên (trụ sở tại Đà Lạt) vừa nghiên cứu nhân giống thành công cây lá bép bằng phương pháp in-vitro (nuôi cấy mô) và nuôi trồng ex-vitro. 
 
Nghiên cứu nhân giống in-vitro và nuôi trồng ex-vitro cây lá bép
Nghiên cứu nhân giống in-vitro và nuôi trồng ex-vitro cây lá bép
Lá bép (tên khoa học Gnetum Gnemon var. Griffithii Markgr.) là loài rau rừng hoang dã mọc nhiều ở rừng miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Cây lá bép có nhiều ở Lâm Đồng, nhất là các huyện Di Linh, Bảo Lâm, Bảo Lộc, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên, là thực phẩm quen thuộc và nguyên liệu chính nấu món canh thụt truyền thống của đồng bào Mạ, K’Ho nơi đây.
 
 Với vị ngọt, tính mát, lá bép không chỉ dùng làm thức ăn hàng ngày, bổ dưỡng, có giá trị dinh dưỡng cao, mà còn có dược tính phù hợp cho người suy nhược. Vì thế, những năm gần đây, lá bép đi vào các nhà hàng sang trọng trở thành món ngon, độc, lạ “rau rừng, cá suối”. Việc khai thác quá mức trong tự nhiên khiến loài cây này đang có nguy cơ cạn kiệt. Với mong muốn nhân giống, bảo tồn loài rau quý, ThS. Nguyễn Thị Phượng Hoàng cùng nhóm nghiên cứu của Viện đã tiến hành nhân giống lá bép bằng phương pháp nuôi cấy mô (in-vitro) và nuôi trồng ex-vitro. Trong suốt một năm qua, từ đốt thân lá bép, nuôi cấy trong phòng thí nghiệm, tái sinh rễ, chuyển cây con ra vườn ươm, các nhà khoa học đã tạo nên cây giống lá bép khỏe mạnh, có thể nhân rộng, trồng đại trà thành rau thương phẩm. 
 
Các kết quả nghiên cứu nhân giống cây lá bép bằng phương pháp nhân giống in vitro và nuôi trồng ex-vitro sẽ góp phần bảo tồn và phát triển một loại rau rừng giàu dinh dưỡng, đồng thời là nguồn thảo dược tự nhiên quý giá cho con người.
 
QUỲNH UYỂN