Nhiều công trình nghiên cứu khoa học có giá trị

08:04, 11/04/2019

Nhiều công trình nghiên cứu khoa học của Viện Nghiên cứu hạt nhân Ðà Lạt gần đây đã tạo ra những sản phẩm khoa học hướng đến phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, được công bố rộng rãi trong nước và trên các tạp chí quốc tế.

Nhiều công trình nghiên cứu khoa học của Viện Nghiên cứu hạt nhân Ðà Lạt gần đây đã tạo ra những sản phẩm khoa học hướng đến phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, được công bố rộng rãi trong nước và trên các tạp chí quốc tế.
 
Phân tích mẫu tại một phòng thí nghiệm Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt. Ảnh: V.T
Phân tích mẫu tại một phòng thí nghiệm Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt. Ảnh: V.T
 
Một trong những điểm nổi bật trong hướng nghiên cứu về Vật lý và Động học Lò phản ứng được thực hiện gần đây (từ 2016 - 2020) chính là đề tài cấp nhà nước “Nghiên cứu tính toán các đặc trưng nơtron, thủy nhiệt và phân tích an toàn lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu do Liên bang Nga đề xuất cho Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân Việt Nam” do PGS TS Nguyễn Nhị Điền làm chủ nhiệm. Một nghiên cứu khác cũng khá xuất sắc trong hướng đi này chính là đề tài cấp Bộ “Nghiên cứu chiếu xạ thử nghiệm pha tạp đơn tinh thể Silic trên Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt” do ThS Phạm Quang Huy chủ nhiệm.
 
Như đánh giá của Viện, việc thực hiện các đề tài trên đã đào tạo được đội ngũ cán bộ có chuyên môn sâu về công nghệ lò phản ứng, có khả năng tính toán các đặc trưng nơtron, thủy nhiệt và phân tích an toàn lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu, ứng dụng chiếu xạ pha tạp đơn tinh thể Silic… sẵn sàng phục vụ dự án Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân của Việt Nam sắp đến, đồng thời cũng phục vụ tốt hơn công tác đảm bảo vận hành an toàn Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt. 
 
Trong hướng nghiên cứu Vật lý hạt nhân trên kênh ngang của Lò phản ứng, Viện đến nay đang thực hiện các đề tài cấp Nhà nước lẫn đề tài nghiên cứu cơ bản; thông qua việc thực hiện các đề tài này sẽ đưa kênh ngang số 1 của Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt vào sử dụng phục vụ nghiên cứu vật lý hạt nhân và đào tạo. Các đề tài cũng chế tạo được hệ đo tán xạ nơtron, hoàn thiện số hóa các hệ đo gamma đa kênh và trùng phùng, đồng thời bổ sung các số liệu hạt nhân và cấu trúc mức của một số hạt nhân nặng không bền. 
 
Trong hướng nghiên cứu điện tử hạt nhân, đo lường và điều khiển Lò phản ứng, Viện đang thực hiện 1 nhiệm vụ cấp Bộ nhằm kiểm tra, hiệu chuẩn và bảo dưỡng hệ điều khiển Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt sau 10 năm hoạt động, phục vụ cho việc kiểm tra, đánh giá an toàn Lò phản ứng sau 5 năm cấp phép vận hành, đồng thời góp phần đào tạo nhân lực, giúp chủ động trong việc sửa chữa, hiệu chuẩn hệ điều khiển Lò phản ứng những năm tiếp theo.
 
Trong hướng nghiên cứu quan trắc và đánh giá tác động phóng xạ môi trường, Viện đang thực hiện 3 đề tài, gồm đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ và cấp cơ sở. Mục tiêu chung của các đề tài này nhằm thiết lập phương pháp đánh giá khả năng phát tán phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân vào môi trường biển trong một số sự cố; chế tạo thiết bị quan trắc hiện trường ô nhiễm phóng xạ Cs - 134 và Cs-137 trong nước biển; xây dựng phương pháp đánh giá liều công chúng đối với cơ sở hạt nhân có lò phản ứng nghiên cứu, đồng thời góp phần đào tạo và hình thành nhóm chuyên gia có đủ năng lực đánh giá tình trạng, mức độ tác động và khả năng dự báo lan truyền ô nhiễm phóng xạ trong môi trường biển. 
 
Một hướng nghiên cứu khác tại Viện cũng tập trung vào các vấn đề môi trường là hướng nghiên cứu các quá trình môi trường, hiện đang thực hiện đề tài cấp Bộ, trong đó chú ý đến việc xây dựng phương pháp động học nước biển ven bờ sử dụng đồng vị Radi tự nhiên làm chất chỉ thị, nhằm đánh giá lan truyền chất thải vùng biển ven bờ, tính toán lưu lượng thải tối đa cho phép vào môi trường biển theo các tiêu chuẩn quốc tế. Đề tài cũng góp phần đào tạo nâng cao năng lực nghiên cứu của cán bộ trẻ tại Viện trong lĩnh vực này.
 
Trong hướng nghiên cứu công nghệ bức xạ, Viện đang thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm cấp quốc gia và 1 đề tài cấp Bộ, thông qua các nghiên cứu nhằm hoàn thiện các quy trình sản xuất nano bạc/chitosan; sản xuất thử nghiệm sản phẩm áp dụng phòng trị bệnh cho cây trồng trên diện rộng. Nghiên cứu cũng góp phần xây dựng qui trình chế tạo chế phẩm nano từ curcumin và chitosan bằng phương pháp chiếu xạ phối hợp xử lý hóa học; chế phẩm thử nghiệm có khả năng làm lành vết thương và điều trị sẹo. 
 
Nằm tại Đà Lạt - địa bàn trọng điểm về nông nghiệp công nghệ cao nên Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt cũng thúc đẩy các hướng nghiên cứu về công nghệ sinh học. Hiện Viện đang thực hiện 1 đề tài cấp Bộ và 1 đề tài cấp cơ sở, nhằm xây dựng bộ số liệu đường chuẩn liều - hiệu ứng sai hình nhiễm sắc thể ngẫu nhiên phục vụ công tác định liều sinh học ứng phó sự cố bức xạ, xây dựng bộ số liệu RAPD để quản lý và tuyển chọn giống đầu dòng làm cơ sở chọn giống đột biến hoa Salem tại Lâm Đồng. 
 
Đặc biệt, Viện là đơn vị duy nhất có Lò phản ứng đang hoạt động tại Việt Nam hiện nay, nên trong nhiều năm nay, đã thúc đẩy mạnh mẽ hướng nghiên cứu và sản xuất đồng vị phóng xạ trên Lò phản ứng để sản xuất ra các dược chất phục vụ cho y học, chữa bệnh. Hiện Viện đang thực hiện 1 đề tài cấp Nhà nước “Nghiên cứu điều chế chế phẩm phóng xạ Y-90 micropheres trên Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt cho mục đích ứng dụng điều trị ung thư gan nguyên phát và di căn” do Ths Dương Văn Đông, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Điều chế đồng vị phóng xạ của Viện chủ trì. Kéo dài trong 3 năm (2018 - 2020), đề tài khi hoàn tất sẽ thiết lập quy trình công nghệ điều chế dược chất vi cầu phóng xạ Y-90 trên Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt, góp phần làm đa dạng hóa các loại thuốc phóng xạ điều trị ung thư tại các bệnh viện trong nước hiện nay. 
 
Theo đánh giá, đa số các hướng nghiên cứu của Viện trong năm 2018 đều có sự tiến bộ vượt bậc, thu được nhiều kết quả đáng khích lệ trong hoạt động khoa học công nghệ, tạo ra những sản phẩm khoa học hướng đến phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước hiện nay.
 
Cùng đó, thông qua thực hiện các đề tài, công tác đào tạo và tự đào tạo tại Viện được tiếp tục đẩy mạnh với 28 cán bộ đang theo học nâng cao trình độ ở các mức khác nhau, gồm dự bị sau đại học, cao học, trong đó có 11 người đang học cao học và làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài.
 
Năm 2018, Viện cũng có số lượng công trình công bố trên các tạp chí chuyên ngành trong nước và đặc biệt là tạp chí quốc tế nhiều hơn những năm trước. Cụ thể, có 20 công trình công bố trên tạp chí quốc tế, trong đó ISI có 15 bài, 3 bài trên Open access; có 16 công trình ở tạp chí quốc gia, 6 báo cáo tại các hội nghị quốc tế. 
Trong năm 2019 này, Viện cho biết đang tiếp tục đẩy mạnh các hướng nghiên cứu trong Viện, nhất là các hướng nghiên cứu có thế mạnh lâu nay, đồng thời tích cực tham gia thực hiện các nội dung liên quan đến dự án Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ hạt nhân của Việt Nam, đặc biệt là chuẩn bị năng lực thẩm định thiết kế Lò phản ứng, đánh giá tác động môi trường và đào tạo nhân lực cho dự án này.
 
VIẾT TRỌNG