Giảo cổ lam (Gynostemma pubescens) còn có tên gọi là ngũ diệp sâm, thất diệp đảm, thân leo, mọc ở độ cao 200 - 2.000 m, phân bố ở châu Á, thích hợp với khí hậu ôn đới. Là loài cây thuốc quý, có chứa hơn 100 loại saponin, trong đó có nhiều saponin có cấu trúc như saponin của nhân sâm và tam thất...
Giảo cổ lam (Gynostemma pubescens) còn có tên gọi là ngũ diệp sâm, thất diệp đảm, thân leo, mọc ở độ cao 200 - 2.000 m, phân bố ở châu Á, thích hợp với khí hậu ôn đới. Là loài cây thuốc quý, có chứa hơn 100 loại saponin, trong đó có nhiều saponin có cấu trúc như saponin của nhân sâm và tam thất. Được dùng uống thay trà tại các nước Trung Quốc, Nhật Bản như một phương thuốc trường sinh. Ở Việt Nam, các nhà khoa học đã phát hiện Giảo cổ lam ở vùng núi Phanxipăng, Sa Pa (Lào Cai) và Đà Lạt, Lâm Đồng.
|
Nhân giống thành công cây dược liệu Giảo cổ lam bằng phương pháp in-vitro (nuôi cấy mô) |
Giảo cổ lam có công dụng bồi bổ sức khỏe, chống lão hóa, giải độc và tăng cường chức năng gan, hỗ trợ điều trị ung thư và là thảo dược hàng đầu đẩy lùi các căn bệnh phổ biến hiện nay như tiểu đường, mỡ máu, huyết áp cao. Với công dụng đặc biệt của loài dược liệu này, nhóm các nhà khoa học của Viện Khoa học Tây Nguyên do ThS. Hoàng Văn Cương làm chủ nhiệm đã tiến hành nghiên cứu nhân giống in-vitro (nuôi cấy mô) và đánh giá sự sinh trưởng, phát triển cây Giảo cổ lam cấy mô trong điều kiện nhà kính tại Đà Lạt.
Từ những mảnh thân cây Giảo cổ lam được khử trùng, tiến hành nuôi cấy trong điều kiện vô trùng, tạo môi trường thích hợp để mô nảy chồi, ra rễ, chuyển cây con ra vườn ươm trên giá thể vụn xơ dừa - đất sạch. Chuyển cây giống trồng thử nghiệm trong nhà kính. Kết quả cho thấy cây sinh trưởng và phát triển tốt.
Kết quả nghiên cứu góp phần xây dựng quy trình nhân giống một loài dược liệu quý, trồng đại trà làm nguồn nguyên liệu để sản xuất dược phẩm chức năng, trà túi lọc... phục vụ cho việc chăm sóc sức khỏe, phòng chống bệnh tật của con người.
QUỲNH UYỂN