Cách gỡ bỏ phần mềm độc hại trên điện thoại

09:05, 31/05/2019

Hệ sinh thái của Google ngày càng an toàn nhờ tính năng Play Protect. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là điện thoại sẽ miễn nhiễm hoàn toàn với phần mềm độc hại.

Hệ sinh thái của Google ngày càng an toàn nhờ tính năng Play Protect. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là điện thoại sẽ miễn nhiễm hoàn toàn với phần mềm độc hại.
 
Thông thường, khi phần mềm độc hại xâm nhập vào điện thoại, nó sẽ khiến thiết bị chạy chậm hơn, tiêu tốn nhiều dữ liệu di động, màn hình liên tục hiển thị quảng cáo, pin nhanh hết,… Làm thế nào để phát hiện và gỡ bỏ phần mềm độc hại? 
 
 
1. Tắt máy cho đến khi bạn tìm ra được manh mối
 
Khi chắc chắn điện thoại đã bị dính phần mềm độc hại, bạn hãy tạm thời tắt nguồn để ngăn chặn những điều tồi tệ hơn có thể xảy ra.  
 
Tắt máy sẽ cho bạn thời gian để suy nghĩ xem trước đó mình đã cài đặt những ứng dụng nào, có sự xuất hiện của phần mềm lạ nào hay không? Nếu không tìm thấy ứng dụng gốc rễ của vấn đề, bạn không thể xóa ứng dụng đó.
 
2. Bật điện thoại sang chế độ an toàn (safe)/khẩn cấp (emergency)
 
Khi phát hiện một số ứng dụng đáng ngờ, bạn hãy mở điện thoại ở chế độ safe (an toàn) hoặc amergency (khẩn cấp), điều này nhằm hạn chế thiệt hại mà phần mềm độc hại có thể gây ra.
 
Đối với hầu hết các dòng điện thoại Android, bạn hãy nhấn im nút nguồn, sau đó nhấn và giữ tùy chọn Shutdown (tắt nguồn) trong vài giây cho đến khi xuất hiện hộp thoại khởi động lại ở chế độ an toàn. Lưu ý, một số dòng máy sẽ có sẵn lựa chọn này khi nhấn giữ nút nguồn.
 
3. Gỡ cài đặt ứng dụng
 
Đầu tiên, bạn hãy truy cập vào phần Settings (cài đặt) > Apps (ứng dụng). Lưu ý, tên và vị trí các tùy chọn có thể thay đổi tùy vào thiết bị mà bạn đang sử dụng. Tiếp theo, người dùng chỉ cần kéo xuống bên dưới và tìm đến các ứng dụng đáng ngờ, sau đó nhấn Uninstall để gỡ cài đặt hoặc Force Stop (buộc dừng) nếu không thể gỡ theo cách thông thường. 
 
Một số phần mềm độc hại hoặc ransomware (mã độc tống tiền) thường rất thông minh, nó sẽ yêu cầu quyền quản trị để người dùng không thể gỡ bỏ theo cách thông thường.
 
Để lấy lại quyền quản trị, bạn hãy vào Settings (cài đặt) > Lock Screen & Security (khóa màn hình & bảo mật) > Phone Administrators (quản trị viên điện thoại) hoặc một tùy chọn tương tự, sau đó bỏ chọn quyền của các ứng dụng đáng ngờ. 
 
 
4. Tải xuống các ứng dụng diệt virus
 
Trên Google Play có rất nhiều ứng dụng diệt virus đơn cử như Avast, AVG, Kaspersky,… hỗ trợ loại bỏ các tệp rác và mọi ứng dụng có khả năng bị lây nhiễm. 
 
Trong trường hợp không thể gỡ bỏ phần mềm độc hại, bạn hãy thử khôi phục cài đặt gốc trên thiết bị. Lưu ý, việc này sẽ xóa sạch toàn bộ dữ liệu trên điện thoại. 
 
5. Cách hạn chế phần mềm độc hại
 
- Kiểm tra phần đánh giá ứng dụng: Khi bạn tìm thấy một ứng dụng mới và muốn tải về, trước hết cần coi kỹ các đánh giá của những người dùng trước đó. Nếu ứng dụng chưa có đánh giá, hãy xem xét thêm các thông tin trên mạng trước khi cài đặt. 
 
- Kiểm tra thông tin nhà phát triển: Tương tự, bạn cũng nên kiểm tra thông tin của nhà phát triển để tránh cài đặt nhầm các phần mềm độc hại.
 
- Hãy cẩn thận khi cấp đặc quyền superuser: Nếu đã root thiết bị, bạn hãy thật sự cẩn trọng khi cấp quyền superuser cho ứng dụng. Nếu chẳng may đó là ứng dụng độc hại thì mọi thông tin, dữ liệu của bạn đều có thể bị đánh cắp dễ dàng. 
 
- Quét thiết bị thường xuyên: Khi đã cài đặt các ứng dụng chống virus, bạn hãy tạo thói quen quét toàn bộ thiết bị trong vài ngày hoặc một tuần để đảm bảo mọi thứ luôn được an toàn.
 
Tóm lại, trên đây là một số cách đơn giản mà kynguyenso.plo.vn muốn giới thiệu với bạn đọc nhằm hạn chế tình trạng bị lây nhiễm phần mềm độc hại trên Android. Nếu có ý kiến hoặc cách thức nào hay hơn, bạn hãy để lại bình luận trong khung nhỏ bên dưới.
 
(Theo kynguyenso.plo.vn)