Thú vị tê giác sinh con tại Việt Nam

09:05, 04/05/2019

Trong vòng 17 ngày, công viên chăm sóc và bảo tồn động vật Vinpearl Safari Phú Quốc đã chứng kiến sự ra đời của hai con tê giác sơ sinh, một đực và một cái, trọng lượng 40-50kg, sau gần một năm rưỡi nằm trong bụng mẹ.

Trong vòng 17 ngày, công viên chăm sóc và bảo tồn động vật Vinpearl Safari Phú Quốc đã chứng kiến sự ra đời của hai con tê giác sơ sinh, một đực và một cái, trọng lượng 40-50kg, sau gần một năm rưỡi nằm trong bụng mẹ.
 
Tê giác con bú sữa mẹ tại Vinpearl Safari Phú Quốc - Ảnh: HỮU HẠNH
Tê giác con bú sữa mẹ tại Vinpearl Safari Phú Quốc 
 
Đây là sự kiện chưa từng có trong ít nhất 10 năm qua ở Việt Nam. Chú tê giác sinh ngày 3-4 được đặt tên là Hakuna Matata (có nghĩa là "Không lo âu" trong ngôn ngữ Swahili ở Đông Phi), cũng là tên một bài hát trong bộ phim Lion King (Vua sư tử) rất được yêu thích. Còn con tê giác sinh ngày 20-4 vẫn đang chờ được đặt một cái tên thật ý nghĩa. Cả hai "sản phụ" đều khỏe mạnh sau khi sinh.
 
Tê giác con rất thích thú khi được nhân viên chăm sóc vuốt ve và gãi
Tê giác con rất thích thú khi được nhân viên chăm sóc vuốt ve và gãi
 
Hồi hộp khi tê giác "lâm bồn"
 
Anh Bùi Phi Hoàng, tổ trưởng tổ chăm sóc động vật (bộ phận thú dữ), cho biết trước khi con tê giác đầu tiên "lâm bồn", các kịch bản như đẻ khó, mẹ không hợp tác nuôi con... đã được tính toán và chuẩn bị. Ngoài thuốc gây mê, băng ca, xe cấp cứu và phòng cấp cứu đã chuẩn bị sẵn tại bệnh viện thú y, một nhóm ba người gồm hai bác sĩ thú y và một nhân viên chăm sóc động vật túc trực ở phòng camera theo dõi các biểu hiện chuyển dạ của tê giác.
 
Tuy nhiên, ca sinh vào ngày 3-4 của một cô tê giác diễn ra rất suôn sẻ và con non bú sau hai giờ, còn diễn biến ca sinh của "sản phụ" thứ 2 khó khăn hơn, chủ yếu ở giai đoạn sau sinh. Lúc 22h30 ngày 20-4, sau khi tê giác con chào đời, thay vì chăm sóc con, mẹ tê giác đột nhiên hung dữ, liên tục húc mạnh con còn non yếu. 
 
Môi trường gần gũi tự nhiên là không gian lý tưởng cho động vật hoang dã sinh sống
Môi trường gần gũi tự nhiên là không gian lý tưởng cho động vật hoang dã sinh sống
 
"Sau vài giờ, tâm lý tê giác mẹ dần ổn định, ngừng các hành động gây nguy hiểm cho con. Dù vậy, tê giác mẹ liên tục tìm cách đẩy con về phía trước trong khi tê giác mới chào đời rất cần bú cữ đầu tiên" - anh Hoàng kể.
 
Theo anh Hoàng, toàn đội "đỡ đẻ" dự định đến đúng 9h sáng hôm sau, nếu tê giác con vẫn chưa được bú sẽ buộc phải tách riêng hai mẹ con. Sau một đêm thức trắng, khi mặt trời ló dạng, êkip bốn người vẫn hồi hộp dõi theo toàn bộ hoạt động của hai mẹ con tê giác. Ca sinh chưa gọi là thành công chừng nào tê giác con chưa bú. 
 
Khi đồng hồ bắt đầu đếm ngược, sự bất an gần đến cao trào thì vào lúc 8h30, chỉ 30 phút trước thời hạn cuối, tê giác con bú được mẹ. Mọi người mới thở phào nhẹ nhõm.
 
Anh Lê Trường Hận (quê An Giang) - người có mặt trực tiếp tại khu nuôi tê giác trong đêm con tê giác thứ hai chào đời ở Safari Phú Quốc và cũng là người chăm sóc các "sản phụ" này hơn một năm qua - cho biết thời gian mang thai của tê giác kéo dài 16-18 tháng, rủi ro lớn nhất là sẩy thai do đánh nhau. 
 
Do đó, tê giác mang thai được ăn riêng để tránh các nguy cơ tranh giành thức ăn. Trước khi em bé chào đời, tê giác mẹ biểu hiện rõ sự bồn chồn, liên tục đi đi lại lại, hơi thở nhanh... "Nào giờ có mấy người thấy tê giác sinh con đâu, nên cảm giác cũng hồi hộp và lo lắng như hồi bà xã đi đẻ" - anh Hận kể.
 
Tê giác đầu tiên sinh vào ngày 3-4, được đặt tên là Hakuna Matata
Tê giác đầu tiên sinh vào ngày 3-4, được đặt tên là Hakuna Matata
 
Bỏ ăn để bảo vệ con
 
Trong một tuần đầu tiên sau sinh, mẹ con tê giác sinh hoạt trong chuồng riêng được lót rơm khô và sân chơi lớn có mái che. Hai tháng đầu đời, nguồn dinh dưỡng của tê giác con hoàn toàn là sữa mẹ. Do đó, hai "sản phụ" đặc biệt của Safari Phú Quốc được ưu tiên ăn ngon hơn các thành viên khác trong đàn. Mỗi bữa ăn của một "sản phụ" tê giác là 150kg thực phẩm bao gồm 65kg cỏ voi tươi xay, 20kg bắp trái, 20kg cà rốt, 15kg khoai lang, 8kg cám, 15kg cỏ khô nhập khẩu và vitamin cùng khoáng chất.
 
Tuy nhiên, theo anh Bùi Phi Hoàng, bản năng bảo vệ con non của tê giác mẹ mạnh đến nỗi nó luôn đi theo con không rời nửa bước. Chỉ khi môi trường thật sự tin tưởng, mẹ tê giác mới yên tâm ăn. Khi thấy phía trước có nguy hiểm, mẹ tê giác sẽ chặn đường để con không thể tiến lên. Nếu thấy môi trường nguy hiểm, con mẹ sẽ canh chừng cả ngày lẫn đêm, không màng ăn uống để bảo vệ con.
 
Khẩu phần ăn một tê giác cái khoảng 150kg/ngày bao gồm cỏ voi tươi xay, cỏ khô alfalfa, rau lang, cà rốt, bắp trái, cám viên, khoáng chất và canxi., Mỗi sáng, anh Danh Thuận Phát kiểm tra khẩu phần thức ăn cho cặp tê giác cái, nếu ít quá thì tê giác cái không đủ dinh dưỡng cho con bú, nếu nhiều thì tê giác sẽ dễ bị tiêu chảy
Khẩu phần ăn một tê giác cái khoảng 150kg/ngày bao gồm cỏ voi tươi xay, cỏ khô alfalfa, rau lang, cà rốt, bắp trái, cám viên, khoáng chất và canxi., Mỗi sáng, anh Danh Thuận Phát kiểm tra khẩu phần thức ăn cho cặp tê giác cái, nếu ít quá thì tê giác cái không đủ dinh dưỡng cho con bú, nếu nhiều thì tê giác sẽ dễ bị tiêu chảy
 
Theo quan sát của chúng tôi, tê giác mẹ thường không rời xa con quá 1m trong phần lớn thời gian. Trong khi đó, hai tê giác con mới sinh chưa tròn tháng rất năng động, tung tăng chạy nhảy khắp khu vực sân chơi khiến mẹ tê giác phải vất vả đuổi theo. Cũng có lúc tê giác con chạy nhảy trong sân và tìm hiểu những thứ làm mình tò mò, chẳng hạn như những vị khách mặc trang phục lạ có mặt trong khu vực chuồng nuôi vốn không đông người.
 
Do đã đứng cứng cáp, chú tê giác Hakuna Matata được theo mẹ ra khu vực ngoài trời, nơi có hố bùn để tắm mát, có bóng râm khi cần nghỉ ngơi và có khoảng sân rộng dễ dàng chạy nhảy. Hakuna Matata có đôi chân khỏe và chạy rất nhanh với dáng của một chú ngựa phi. Thấy người, chú thận trọng tiến lại gần rồi khi nhận ra đã đến quá gần, chú hốt hoảng kêu lên khiến mẹ tê giác "hực" lên lo lắng và huỳnh huỵch lao về phía con.
 
Khi chú tê giác này đi về hàng rào, nơi có một con tê giác đực to lớn, ngay lập tức tê giác mẹ lao theo kèm tiếng gầm dữ dội khiến tất cả giật mình. Tê giác đực hoảng hốt lùi lại. Tê giác mẹ đứng thủ thế trừng trừng nhìn tê giác đực qua song chắn, như muốn khẳng định nó sẽ chiến đấu với bất kỳ ai dám gây nguy hiểm cho con nó.
 
(Theo Tuoitre.vn)