Nhóm sinh viên Trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng đã hình thành ý tưởng chế tạo ra một chiếc máy vừa thu gom trên cát, vừa thu gom dưới nước và đặc biệt hữu ích ở khu vực mép nước.
Nhóm sinh viên Trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng đã hình thành ý tưởng chế tạo ra một chiếc máy vừa thu gom trên cát, vừa thu gom dưới nước và đặc biệt hữu ích ở khu vực mép nước.
Sản phẩm máy thu gom rác thủy bộ và nhóm tác giả. (Ảnh: TTXVN) |
Đã trải qua 4 mùa Hè xanh tình nguyện, thường xuyên tham gia các hoạt động nhặt rác, bảo vệ môi trường, ba chàng sinh viên Trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng nhận thấy cần nâng cao hiệu quả của các chương trình này.
Nghĩ là làm, các bạn trẻ này đã chung sức sáng tạo ra chiếc máy thu gom rác thủy bộ, có thể thu được rác thải trên cả mặt đất và dưới nước.
Tác giả của chiếc máy nhặt rác đặc biệt này là nhóm bạn Võ Anh Khoa, Trần Văn Nhật và Trương Văn Bình (cùng là sinh viên năm cuối chuyên ngành Kỹ thuật tàu thủy, khoa Cơ khí, Trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng).
Sáng chế vì môi trường
Trưởng nhóm Võ Anh Khoa cho biết sau những lần đi tình nguyện, đi cắm trại tại các bãi biển, nhóm các em thấy rất nhiều rác thải trôi dạt ở khu vực mép nước.
Sau khi tìm hiểu, các em được biết hầu hết những loại máy thu gom rác trên mặt nước đều chỉ hoạt động được ở chỗ nước sâu, còn ở mép nước có lẫn nhiều cát sẽ khó hoạt động. Vì vậy, nhóm đã hình thành ý tưởng chế tạo ra một chiếc máy vừa thu gom trên cát, vừa thu gom dưới nước và đặc biệt hữu ích ở khu vực mép nước.
Chiếc máy thu gom rác thải thủy bộ của nhóm có thiết kế khá lớn, với kích thước dài 4,3m, rộng 2,7m và cao 1,7m. Cửa gom rác của máy có bề rộng 4m, thể tích thùng chứa rác là 2m3, vận tốc trên cạn tối đa 12 km/giờ, vận tốc dưới nước 16 km/giờ. Máy có thể hoạt động liên tục 6 tiếng và có năng suất tương đương với 12 người nhặt rác bằng tay.
Chiếc máy vận hành trên cạn nhờ hệ thống bánh xích và vận hành dưới nước nhờ hệ thống chân vịt đặt trong ống. Phía trước có cửa thu gom rác được thiết kế đặc biệt giúp tăng diện tích thu gom. Rác thải sẽ được đưa lên hệ thống băng tải lưới có bố trí các gai và lỗ thoát nước (giúp nước và cát được trả lại môi trường).
Sau đó, rác sẽ được đưa vào hệ thống xử lý (nén hoặc xay rác nhỏ) rồi được đưa về thùng chứa. Khi đầy, công nhân có thể tháo thiết bị để lấy thùng rác ra.
Trần Văn Nhật chia sẻ: "Em mong muốn sáng chế của nhóm sẽ sớm được ứng dụng thực tế, để góp phần giảm thiểu lượng rác thải tại các bờ biển trong nước. Đồng thời, các cô chú công nhân vệ sinh môi trường cũng đỡ cực nhọc, vất vả trong công việc. Em cũng hy vọng chiếc máy này có thể giúp thành phố Đà Nẵng xanh, sạch, đẹp hơn để phát triển du lịch bền vững."
Vượt qua khó khăn
Những ngày đầu tiên bắt tay vào làm, ba chàng trai đã thấy một loạt khó khăn mà nhóm sẽ gặp phải, như tìm hiểu về công nghệ mới, tìm kiếm nguyên vật liệu và số vốn ban đầu ít ỏi.
Xác định ý tưởng và lên kế hoạch từ tháng 10/2018, trong khi đó lại là sinh viên năm cuối, nhưng nhóm bạn vẫn dành thời gian để rong ruổi khắp các khu chợ, con phố tìm mua thiết bị; lắp ráp, thử nghiệm rồi lại tháo rời tiếp tục nghiên cứu và lắp lại.
Trải qua 7 tháng lao động đến nay, nhóm đã hoàn thành phiên bản mẫu với kích thước bằng 1/4 kích thước thực tế.
Theo Trương Văn Bình, khó nhất là làm sao tìm được nguyên, vật liệu phù hợp, tính năng tốt nhưng phải rẻ.
"Vì phiên bản thử nghiệm này do chúng em tự góp tiền túi để làm nên kinh phí rất eo hẹp. Mỗi bạn dốc hết tiền để dành, đóng góp khoảng 10 triệu đồng tất cả các công đoạn thi công, lắp ráp đều tự tay làm để giảm chi phí. Cũng may là sau đó chúng em được sự giúp đỡ, hỗ trợ rất nhiều từ phía thầy cô và nhà trường."
Trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn đề tài cho nhóm là thạc sỹ Phạm Trường Thi, giảng viên, Phó Trưởng phòng Công tác sinh viên khoa Cơ khí Giao thông, Đại học Bách Khoa Đà Nẵng.
Thầy Thi đánh giá với đặc thù tại bãi biển thường có sóng biển lên xuống, một thiết bị vừa hoạt động trên mặt nước, lại vừa hoạt động trên bãi biển là một phương án rất phù hợp. Ý tưởng này mới, có tính ứng dụng rất cao tại các khu vực bãi biển, đặc biệt Việt Nam là một đất nước có bờ biển dài, nên thiết bị có thể ứng dụng rộng rãi tại nhiều địa phương trên cả nước.
Ước mơ khởi nghiệp trong thời đại công nghiệp 4.0
Ngay sau khi hoàn thành, sáng chế này đã đoạt giải Nhì Hội nghị nghiên cứu khoa học dành cho sinh viên cấp trường, được chọn triển lãm tại Festival khoa học sinh viên Đại học Đà Nẵng năm 2019, giải nhất Ý tưởng sinh viên tình nguyện 2019 của Trung ương Đoàn và nhận được sự quan tâm đặc biệt của Thành đoàn Đà Nẵng và các doanh nghiệp trên địa bàn.
Phó Bí thư Thành đoàn Đà Nẵng Nguyễn Mạnh Dũng cho biết Thành đoàn đã chủ động liên hệ và có những đề xuất hỗ trợ cho đề tài này. Trước mắt, chúng tôi sẽ hướng dẫn các em đăng ký bản quyền, sở hữu trí tuệ cho sáng chế của mình.
Thành đoàn luôn khuyến khích các bạn đoàn viên, thanh niên chung tay, góp sức nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, góp phần phát triển kinh tế-xã hội cho thành phố.
Theo Trưởng nhóm Võ Anh Khoa, nhóm đã quyết định đăng ký thương hiệu cho sản phẩm và hoàn thiện để đưa ra thị trường. Thời gian tới, được sự hỗ trợ của Trung ương Hội sinh viên Việt Nam, Thành đoàn Đà Nẵng, đặc biệt là Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng ký hợp đồng với nhóm để triển khai, theo đó nhóm sẽ tiếp tục thực hiện dự án phát triển một thiết bị nguyên mẫu, với mục tiêu phát triển thành công thiết bị để áp dụng trong thực tế.
Thiết bị hoàn thiện này có chi phí sản xuất khoảng 300 triệu đồng. Do đó, thiết bị này sẽ có giá bán rẻ hơn nhiều lần so với các máy thu gom rác nhập khẩu từ nước ngoài nhưng lại có nhiều công dụng phù hợp với Việt Nam hơn.
"Nhóm rất vui vì sản phẩm đã được nhiều đơn vị quan tâm. Chúng em đang tiếp tục vận hành, nghiên cứu và nâng cấp lên chế độ tự động hóa, dùng camera nhận biết rác thải, chướng ngại vật, chế độ tự học hỏi và sửa chữa. Nhóm hy vọng có thể bán các sản phẩm hoàn thiện cho các khu resort, nghỉ dưỡng ven biển, các công ty môi trường... Không chỉ dừng lại ở ý tưởng sinh viên, đây là sẽ bước đầu trong con đường khởi nghiệp của cả nhóm," Võ Anh Khoa chia sẻ.
(Theo TTXVN/Vietnam+)