Đến năm 2025, Việt Nam thuộc top 4 ASEAN về xếp hạng số hóa quốc gia là mục tiêu được đưa ra tại dự thảo Đề án "Chuyển đổi số quốc gia".
Đến năm 2025, Việt Nam thuộc top 4 ASEAN về xếp hạng số hóa quốc gia là mục tiêu được đưa ra tại dự thảo Đề án "Chuyển đổi số quốc gia".
Ảnh minh họa (Nguồn: Ciotechie.com) |
Tại Hội nghị triển khai Kế hoạch năm vào giữa tháng 1/2019, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chính thức được Thủ tướng Chính phủ giao xây dựng Đề án Chuyển đổi số quốc gia, trình Thủ tướng ngay trong năm 2019.
Đề án sẽ xác định rõ ai phải làm gì, trong bao lâu và bằng cách nào để đẩy nhanh quá trình số hóa, chuyển đổi số trên phạm vi cả nước trong mọi lĩnh vực kinh tế-xã hội.
Theo dự thảo, đề án Chuyển đổi số sẽ được chia làm ba giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 (2019-2020) là số hóa các lĩnh vực kinh tế-xã hội.
Giai đoạn này sẽ triển khai số hóa các lĩnh vực, các ngành công nghiệp; chuyển đổi số nền kinh tế, chuyển đổi số xã hội, chuyển đổi số cơ quan nhà nước nhằm tăng hiệu quả hoạt động, năng suất lao động, tạo ra nguồn tăng trưởng mới (nội dung gồm tập trung xây dựng hạ tầng nền tảng; tạo điều kiện môi trường pháp lý; hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa; phát triển start-up số; phát triển nguồn nhân lực số).
Giai đoạn 2 (2021-2025) sẽ là số hóa thành lợi thế cạnh tranh trong nước và toàn cầu. Theo đó sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh nền kinh tế bằng cách triển khai các hệ sinh thái số tích hợp mới, hội tụ quanh các nhu cầu khách hàng (tập trung thúc đẩy chuyển đổi mô hình doanh nghiệp, dịch chuyển các doanh nghiệp lên các nền tảng số/các hệ sinh thái, hình thành các chuỗi giá trị hội tụ…).
Và giai đoạn 3 (2026-2030) sẽ là kinh tế-xã hội số toàn diện. Trong giai đoạn này, Việt Nam sẽ tiến tới nền kinh tế, xã hội số toàn diện, mọi lĩnh vực số hóa, hình thành các ngành công nghiệp số thế hệ mới, các ngành công nghiệp mới này sẽ là động lực tăng trưởng cho nền kinh tế (nội dung là tập trung hỗ trợ phát triển các ngành công nghệ số mới như AI, Immersive Media, IoT, Cybersecurity; chuyển số toàn diện, sâu sắc trong các lĩnh vực).
Theo dự thảo mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam sẽ thuộc Top 4 ASEAN về xếp hạng số hóa quốc gia.
Chỉ tiêu về chuyển đổi số nền kinh tế là phát triển ít nhất 80.000 doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành một trong các nhà sản xuất thiết bị điện tử, viễn thông, xuất khẩu phần mềm lớn trên thế giới.
Đồng thời Việt Nam sẽ phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số với chỉ tiêu nâng xếp hạng Chính phủ điện tử theo đánh giá của Liên hợp quốc tăng từ 10 đến 15 bậc năm 2020, tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến đạt 50%; phát triển lực lượng lao động số, đào tạo thêm 1 triệu chuyên gia ICT…
Dự thảo nêu rõ, đối với chuyển đổi số nền kinh tế phải tập trung hình thành 5-7 tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ lớn có vai trò dẫn dắt công nghệ và thị trường hàng đầu của Việt Nam và khu vực. Phát triển các sản phẩm ICT sẽ là trọng điểm, sản xuất chip 5G, chip lõi cho chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, việc cải thiện hệ sinh thái cho khởi nghiệp cũng được chú trọng khi phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ số, khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up) công nghệ số đổi mới sáng tạo và tạo các sản phẩm, dịch vụ mới. Kết nối các doanh nghiệp khởi nghiệp với các quỹ đầu tư, vườn ươm. Tạo ưu đãi về thuế cho các quỹ đầu tư mạo hiểm vào các khởi nghiệp…
Ảnh minh họa. (Nguồn: greatdepartment.com) |
Về phát triển thương mại điện tử, đề án cũng nêu nêu rõ phải hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia các sàn giao dịch điện tử. Hoàn chỉnh các quy định pháp lý để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo vệ thông tin cá nhân trên các nền tảng thương mại điện tử.
Trước đó, tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá, công nghệ số - chuyển đổi số - kinh tế số - kỷ nguyên số là tiến trình không thể đảo ngược. Đây là xu thế toàn cầu. Với sự xuất hiện của cách mạng công nghiệp 4.0, thế giới đang ở điểm gần của quá trình chuyển đổi số.
“Đây thực sự là cơ hội để hiện thực hóa khát vọng Việt Nam hùng cường. Kinh tế số sẽ mang lại những lợi ích to lớn cho quốc gia, doanh nghiệp và người dân. Kinh tế số giúp tăng năng suất lao động và tăng trưởng kinh tế. Sự tăng trưởng này là bền vững vì sử dụng tri thức nhiều hơn tài nguyên, chi phí tham gia kinh tế số thấp hơn, nên tạo ra cơ hội cho nhiều người tham gia hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, công nghệ số không biên giới, sẽ góp phần làm giảm khoảng cách nông thôn và thành thị. Công nghệ số đem lại cho Việt Nam những cách tiếp cận mới, giải pháp mới để giải quyết hiệu quả những vấn đề tồn tại lâu dài như ô nhiễm môi trường, khoảng cách giàu nghèo gia tăng, đo lường tâm trạng xã hội, sự tham gia của người dân vào hoạch định chính sách.
(Theo Vietnam+)