Một mặt trăng ngoài hành tinh đang "đến tuổi" sinh ra sự sống

06:07, 08/07/2019

Nhóm nghiên cứu từ NASA khẳng định một trong những mặt trăng đẹp và bí ẩn nhất hệ mặt trời đang bước vào kỷ nguyên trưởng thành, sẵn sàng để bắt đầu sản sinh sự sống.

Nhóm nghiên cứu từ NASA khẳng định một trong những mặt trăng đẹp và bí ẩn nhất hệ mặt trời đang bước vào kỷ nguyên trưởng thành, sẵn sàng để bắt đầu sản sinh sự sống.
 
Cassini bay trên vùng trời đầy "hơi thở sự sống" của Enceladus - (ảnh đồ họa từ NASA)
Cassini bay trên vùng trời đầy "hơi thở sự sống" của Enceladus - (ảnh đồ họa từ NASA)
 
Tại Hội nghị Khoa học Sinh học vừa diễn ra tại Washington (Mỹ), nhà khoa học Marc Neveu từ Trung tâm Bay Vũ trụ Goddard của NASA khẳng định nghiên cứu của ông và các đồng nghiệp đã tính tuổi của mặt trăng Enceladus và biết được rằng nó đang bước vào thời đại hoàn hảo để nảy sinh sự sống.
 
Trong bài công bố trên tạp chí khoa học Nature Astronomy, các tác giả cho biết họ đã sử dụng bộ dữ liệu khổng lồ mà tàu vũ trụ Cassini của NASA thu thâp được trong suốt 13 năm bay vòng quanh sao Thổ và thám thính các mặt trăng của nó.
 
Có tổng cộng 31 mặt trăng của hành tinh khổng lồ này được phát hiện, trong đó một số mặt trăng trở thành mục tiêu lớn của NASA trong công cuộc tìm kiếm sự sống, bao gồm Titan, Enceladus, Dione…
 
Nghiên cứu mới này xoáy vào Enceladus, một mặt trăng băng giá tuyệt đẹp và từng phun trúng tàu Cassini những luồng hơi nước mang các phân tử hữu cơ phức tạp và giàu carbon.
 
Các dữ liệu này giúp NASA tin rằng dưới bề mặt băng giá của Enceladus là đại dương rộng lớn sở hữu các lỗ thông thủy nhiệt dưới đáy giống ở Hawaii hay Nam Cực, nơi tập trung sự sống sâu thẳm. Đại dương này dồi dào các nguồn năng lượng hóa học và các nguyên tố sự sống thiết yếu như carbon, nitơ, hydro và oxy.
 
Theo nhà nghiên cứu Neveu, để có sự sống, những điều kiện tuyệt vời đó cần kết hợp với độ tuổi phù hợp của thiên thể. Như trái đất của chúng ta không có sự sống ngay từ lúc sơ sinh. "Nếu một đại dương quá trẻ, chỉ một vài triệu năm tuổi, sẽ không đủ thời gian để trộn các thành phần nói trên lại với nhau và kích hoạt chuỗi phản ứng tạo ra sự sống", ông nói.
 
Mặt khác, nếu đại dương quá cũ, thiên thể sẽ như một cục pin khô dịch, không thể tạo năng lượng cho các phản ứng hóa học cần thiết để duy trì sự sống.
 
Các nhà khoa học đã thử nghiệm khoảng 50 mô hình mô phỏng và tính ra được đại dương của Enceladus khoảng 1 tỉ năm tuổi, già hơn vài trăm triệu năm so với trái đất khi nó bắt đầu sản sinh ra sự sống. Họ thậm chí kỳ vọng độ tuổi này đã đủ để sự sống ra đời ít lâu và lan tỏa đủ rộng để các công cụ của loài người có thể tìm thấy.
 
Nghiên cứu này và các công trình tương tự nhằm chuẩn bị cho các sứ mệnh khảo sát trực tiếp của NASA trong tương lai.
 
(Theo NLĐ)