Bảo tàng Đức khoe tìm thấy bia mộ Bạch Tuyết "phiên bản thật"

06:08, 09/08/2019

Một bảo tàng tại thị trấn Bamberg, Đức, khẳng định tìm thấy bia mộ của Maria Sophia von Erthal, người phụ nữ được cho là nguồn gốc của câu chuyện cổ tích Bạch Tuyết.

 

Một bảo tàng tại thị trấn Bamberg, Đức, khẳng định tìm thấy bia mộ của Maria Sophia von Erthal, người phụ nữ được cho là nguồn gốc của câu chuyện cổ tích Bạch Tuyết.
 
Bảo tàng tại Bamberg cho rằng Erthal có vị trí xã hội đặc biệt vào thời điểm đó mới được khắc bia mộ bằng đá.
Bảo tàng tại Bamberg cho rằng Erthal có vị trí xã hội đặc biệt vào thời điểm đó mới được khắc bia mộ bằng đá.
 
Bảo tàng Docesan tại Bamberg, miền Nam nước Đức, đã cho trưng bày bia mộ của Maria Sophia von Erthal, người phụ nữ được cho là nguồn cảm hứng tạo nên nàng Bạch Tuyết. Câu chuyện nằm trong tuyển tập truyện cổ tích của anh em nhà Grimm (Jakob và Wilhem) in năm 1812.
 
Erthal được sinh tại Lohr am Main, nghĩa là "thành phố tuyết trắng", và là em gái của tổng giám mục xứ Mainz, theo Sky News. Erthal mồ côi mẹ khi còn nhỏ. Cha cô cưới vợ hai và cô bị mẹ kế ghẻ lạnh.
 
Người cha là chủ một xưởng làm gương. Lohr am Main thời đó cũng nổi tiếng với nghề làm thủy tinh. Những yếu tố này được cho là cảm hứng tạo nên các chi tiết như gương thần và quan tài thủy tinh của Bạch Tuyết trong truyện cổ Grimm.
 
Không như phiên bản của Disney hay truyện cổ tích, Erthal không "hạnh phúc mãi về sau". Cô không kết hôn, chuyển đến Bamberg sống rồi bị mù và mất vào năm 71 tuổi.
 
Bia mộ bị thất lạc vào năm 1804 sau khi nhà thờ nơi Erthal được chôn cất bị phá hủy.
 
Vùng Bamberg nổi tiếng với 7 ngọn đồi. Những khu mỏ tại vùng vào thời đó thường sử dụng lao động trẻ em hoặc người mắc hội chứng "người lùn" để làm việc trong các đường hầm chật hẹp.
 
Người dân thị trấn Lohr am Main cho rằng anh em Jakob và Wilhem Grimm đã mượn câu chuyện của Erthal, bổ sung thêm những chuyện kể dân gian, để xây dựng nhân vật Bạch Tuyết trong tuyển tập truyện cổ Grimm.
 
Theo giám đốc bảo tàng Holger Kempkens, sau khi nhà thờ địa phương bị phá hủy năm 1804, bia mộ của Erthal được chuyển đến một bệnh viện trong vùng do người em lập nên. Nơi này được xây mới thành phòng khám vào thập niên 1970. Một gia đình trong vùng đã giữ lại bia mộ và mới tặng lại viện bảo tàng.
 
(Theo khoahoc.tv)