Sao Thổ soán ngôi sao Mộc trở thành 'vua' mặt trăng

06:10, 09/10/2019

Theo phát hiện mới nhất từ các nhà thiên văn học Mỹ thì sao Thổ mới là 'vị vua' có nhiều mặt trăng quay quanh nhất.

Theo phát hiện mới nhất từ các nhà thiên văn học Mỹ thì sao Thổ mới là 'vị vua' có nhiều mặt trăng quay quanh nhất.
 
Sao Thổ qua mặt sao Mộc trở thành vua mặt trăng mới
Sao Thổ qua mặt sao Mộc trở thành vua mặt trăng mới
 
Các nhà thiên văn đã phát hiện ra một tập hợp 20 mặt trăng mới quay quanh sao Thổ, nâng tổng số mặt trăng của nó lên 82, trong khi sao Mộc có 79 mặt trăng.
 
Các mặt trăng mới được phát hiện nhờ công lao của kính viễn vọng Subaru đặt trên đỉnh Maunakea, Hawaii.
 
Mỗi mặt trăng mới được phát hiện trong quỹ đạo bay quanh sao Thổ có đường kính khoảng 5km, 17 trong số này lại có quỹ đạo quay ngược, 3 còn lại quay cùng chiều với sao Thổ.
 
Hai trong số ba mặt trăng quay cùng chiều sẽ mất hai năm để 'du lịch' quanh sao Thổ. Trong khi đó, các mặt trăng quay ngược chiều và mặt trăng quay cùng chiều còn lại sẽ mất ba năm để hoàn thành một quỹ đạo.
 
Tiến sĩ Scott Sheppard từ Viện khoa học Carnegie ở Washington DC cho biết trước đó, từ cuối thập niên 1990, sao Mộc được xem là hành tinh có nhiều mặt trăng nhất.
 
"Nghiên cứu quỹ đạo của những mặt trăng này có thể tiết lộ nguồn gốc của chúng, cũng như thông tin về các điều kiện xung quanh sao Thổ tại thời điểm hình thành của nó", tiến sĩ Scott Sheppard nói.
 
Các nhà khoa học cho rằng các mặt trăng mới này là tàn dư của ít nhất ba vật thể lớn hơn, vốn đã bị đập vỡ bởi các vụ va chạm, giữa các mặt trăng với nhau hoặc với các vật thể bên ngoài, chẳng hạn như các tiểu hành tinh đi qua.
 
Đồ họa cho thấy 20 mặt trăng mới quay quanh sao Thổ
Đồ họa cho thấy 20 mặt trăng mới quay quanh sao Thổ
 
"Những mặt trăng này có quỹ đạo khá nghiêng với sao Thổ và khá xa, vì vậy chúng tôi không nghĩ rằng chúng hình thành cùng với hành tinh này, chúng tôi cho rằng chúng đã bị bắt giữ trong quá khứ. Nếu một tiểu hành tinh tình cờ đi ngang qua ngày nay thì không thể bắt được nó vì bạn không thể làm tiêu tan năng lượng của nó", tiến sĩ Sheppard cho biết.
 
Tuy nhiên, khi hệ mặt trời còn non trẻ và khi sao Thổ đang trong quá trình hình thành, có một đám mây, hay "đĩa", bụi và khí bao quanh hành tinh. Yếu tố ấy đã làm triệt tiêu năng lượng của các vật thể đi qua. Và như hầu hết trường hợp thì các vật thể này cuối cùng đã xoắn ốc vào hành tinh và trở thành một phần của nó.
 
Phát hiện mới này được thực hiện bằng cách áp dụng các thuật toán mới đối với các dữ liệu thu thập được từ năm 2004 đến 2007 qua kính viễn vọng Subaru. Các thuật toán này có thể điều chỉnh quỹ đạo cho các mặt trăng tiềm năng được xác định trong dữ liệu cũ.
 
Tiến sĩ Sheppard cho biết thêm khả năng sẽ phát hiện ra nhiều mặt trăng khác nữa quanh sao Thổ. Nhưng để làm được điều này, các nhà thiên văn học cần các hệ thống kính viễn vọng lớn hơn với khả năng phát hiện các vệ tinh nhỏ hơn với kích thước khoảng 1km.
 
Các nhà khoa học đồng thời mở ra cuộc thi đặt tên cho các mặt trăng mới được phát hiện.
 
(Theo BBC)