10 năm đưa khoa học công nghệ về phát triển nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số

05:11, 22/11/2019

Trong 10 năm qua, ngành nông nghiệp Lâm Đồng có những bước tiến mạnh mẽ về chất với việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ nông sản, bố trí lại cơ cấu cây trồng, vùng sản xuất, phát triển các mô hình sản xuất mới, nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện đời sống của người nông dân...

Trong 10 năm qua, ngành nông nghiệp Lâm Đồng có những bước tiến mạnh mẽ về chất với việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ nông sản, bố trí lại cơ cấu cây trồng, vùng sản xuất, phát triển các mô hình sản xuất mới, nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện đời sống của người nông dân. Đặc biệt, thực hiện thành công chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo nhanh, bền vững. 
 
Việc ứng dụng né công nghệ cho tằm nhả tơ kéo kén đã giảm đến mức thấp nhất lượng kén đôi (2 tằm kéo chung 1 kén) so với việc sử dụng né tre trước đây. (Ảnh chụp tại xã Tân Hà, Lâm Hà nằm trong Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao công nghệ để phát triển bền vững nghề trồng dâu nuôi tằm ở Lâm Hà”). Ảnh: Thái An
Việc ứng dụng né công nghệ cho tằm nhả tơ kéo kén đã giảm đến mức thấp nhất lượng kén đôi (2 tằm kéo chung 1 kén) so với việc sử dụng né tre trước đây. (Ảnh chụp tại xã Tân Hà, Lâm Hà nằm trong Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao công nghệ để phát triển bền vững nghề trồng dâu nuôi tằm ở Lâm Hà”). Ảnh: Thái An
 
Góp sức cho những thành công đó là nhờ Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN) Lâm Đồng đã chủ động đồng hành cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ứng dụng các kết quả nghiên cứu KHCN vào thực tiễn sản xuất, xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả, nâng cao thu nhập và đời sống cho Nhân dân, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. 
 
Trong 10 năm, toàn tỉnh đã triển khai 15 dự án nông thôn miền núi với tổng kinh phí trên 40 tỷ đồng, chủ yếu tập trung xây dựng các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật về phát triển cây công nghiệp, nấm, cây dược liệu và các loại vật nuôi có lợi thế của địa phương. 
 
Cụ thể, một số dự án tiêu biểu: Dự án “Áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong trồng và sản xuất meo giống một số loại nấm ăn, nấm làm thuốc tại Đơn Dương”, dự án đã xây dựng 20 nhà nuôi trồng nấm tập trung công nghệ cao với diện tích 4.500 m 2, 12 nhà nấm phân tán với diện tích 3.000 m 2; nhận chuyển giao 9 quy trình công nghệ gồm: tuyển chọn, bảo quản giống nấm, nhân giống nấm cấp I, II, bảo quản nấm tươi, nấm sấy khô, nuôi trồng nấm bào ngư, mộc nhĩ, linh chi, hầu thủ, nấm hương. Trong thời gian thực hiện, dự án đã sản xuất 900 ngàn bịch phôi, 591,3 tấn nấm bào ngư, 15 tấn nấm mèo khô, trên 11 tấn nấm các loại khác, đào tạo 8 kỹ thuật viên, tập huấn chuyển giao cho 270 lượt nông dân, tạo sức sống cho vùng nấm Đơn Dương với việc đăng ký nhãn hiệu tập thể “Nấm bào ngư Đơn Dương”, mô hình bước đầu đã lan tỏa trên địa bàn với 400 lượt nông dân tham gia dự án. 
 
Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao công nghệ để phát triển bền vững nghề trồng dâu nuôi tằm ở Lâm Hà” đã hoàn thiện và chuyển giao 10 quy trình trồng dâu, nuôi tằm, phòng trị sâu, bệnh hại, sấy và bảo quản kén phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Xây dựng 2 mô hình trồng mới và cải tạo vườn dâu, 6 mô hình nuôi tằm hiệu quả kinh tế cao hơn 22%, 1 mô hình nuôi tằm lấy kén ươm, kén đạt tiêu chuẩn ươm trên 96%, 1 mô hình liên kết từ sản xuất dâu, nuôi tằm đến tiêu thụ trứng với quy mô 60 ha dâu, 6.000 hộp trứng tằm, 1 nhà ươm. Dự án đào tạo 16 kỹ thuật viên, tổ chức 6 lớp tập huấn cho 300 nông dân nắm vững và ứng dụng thành thạo quy trình. Dự án góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hình thành mối liên kết từ trồng dâu, nuôi tằm, tiêu thụ kén, nâng cao thu nhập của nông dân lên gấp 2 lần.
 
Dự án “Ứng dụng tiến bộ KHCN trong chăn nuôi bò thịt chất lượng cao tại Lâm Đồng” được thực hiện từ năm 2017, đến nay dự án đã chuyển giao 5 quy trình kỹ thuật: chăn nuôi bò lai hướng thịt chất lượng cao; trồng và sử dụng các giống cỏ chăn nuôi; chế biến phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho bò; vỗ béo bò thịt; vệ sinh chuồng trại và xử lý môi trường chăn nuôi. Dự án đã xây dựng 2 mô hình: mô hình trồng cỏ phân tán với 1.100 tấn cỏ/3,6 ha/năm và mô hình chăn nuôi bò lai hướng thịt chất lượng cao đã sinh được 17 bê con. Mô hình đã cho thu nhập cao hơn chăn nuôi bò truyền thống 25 - 30%, cung cấp cho xã hội thực phẩm sạch giá trị cao, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi. 
 
Bên cạnh các dự án nông thôn miền núi cấp nhà nước do vốn đầu tư từ Trung ương, bằng sự hỗ trợ kinh phí từ ngân sách khoa học của tỉnh, Sở KHCN đã triển khai thực hiện 30 dự án nông thôn miền núi, nhân rộng kết quả từ các nhiệm vụ KHCN đến cho người dân với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 9 tỷ đồng, đào tạo 150 kỹ thuật viên cơ sở, tập huấn chuyển giao cho hơn 3.000 lượt nông dân tham gia vào các dự án. Qua đó, đã xây dựng được các mô hình chuyển giao khoa học kỹ thuật, nâng cao kinh tế hộ trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Pró (Đơn Dương), Lộc Bảo (Bảo Lâm), Đưng K’Nớ, Đạ Sar (Lạc Dương), Gia Bắc (Di Linh), Tà Hine (Đức Trọng), Đạ R’Sal (Đam Rông). Các mô hình tập trung vào việc trồng, ghép cải tạo cà phê, trồng rau, hoa, dứa, cam, bơ, nuôi heo địa phương, gà thả vườn, trồng cỏ làm thức ăn cho trâu bò, làm chuồng trại cho trâu bò; chuyển giao mô hình nuôi trồng nấm ăn, nấm dược liệu (Linh chi, nấm hương) cho các hộ dân Đơn Dương, Lạc Dương... 
 
Bên cạnh các mô hình trình diễn, các dự án còn chú trọng đến khâu tập huấn cho nông dân về kỹ thuật nuôi trồng, bảo quản các loại nông sản, đào tạo kỹ thuật viên cơ sở là những người sâu sát đến từng hộ dân, có thể trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ ngay khi người dân cần. Tổ chức các buổi hội thảo đầu bờ, hội thảo đầu chuồng giới thiệu trực tiếp các mô hình để người nông dân mắt thấy, tai nghe, có thể học hỏi một cách trực quan, sinh động các kinh nghiệm ngay trên đồng ruộng, chuồng trại. 
 
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng Võ Thị Hảo nhận định: Có thể nói, các chương trình, dự án nông thôn, miền núi như “đòn bẩy” quan trọng, đã đóng góp tích cực trong việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, góp phần thay đổi nhận thức của đồng bào trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Các dự án đã có tác động mạnh mẽ đến đồng bào nông thôn miền núi trong việc hình thành tập quán canh tác mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ổn định cuộc sống, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
 
THÁI AN