(LĐ online) - Chiều 19/11, Sở Khoa học Công nghệ Lâm Đồng đã tổ chức hội thảo khoa học công bố kết quả nghiên cứu xác định danh pháp (tên khoa học), vị trí phân bố, hoạt tính sinh học của một loài sâm có hình thái đặc điểm giống sâm Ngọc Linh đang được đồng bào Mông khai thác ở rừng Đam Rông, Lạc Dương...
(LĐ online) - Chiều 19/11, Sở Khoa học Công nghệ Lâm Đồng đã tổ chức hội thảo khoa học công bố kết quả nghiên cứu xác định danh pháp (tên khoa học), vị trí phân bố, hoạt tính sinh học của một loài sâm có hình thái đặc điểm giống sâm Ngọc Linh đang được đồng bào Mông khai thác ở rừng Đam Rông, Lạc Dương. Tham dự hội thảo có TS.Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, GS.TS. Dương Tấn Nhựt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học Tây Nguyên, đại diện các sở, ngành, lãnh đạo 2 huyện Lạc Dương và Đam Rông, cùng các nhà khoa học.
|
Kết quả nghiên cứu khẳng định loài sâm này có hàm lượng dược tính thấp, không có giá trị thương mại như sâm Ngọc Linh |
Nhiệm vụ khoa học đột xuất này được thực hiện trước tình hình: Vào tháng 8/2019 tại Đam Rông và Lạc Dương có hiện tượng đồng bào Mông vào rừng kiếm tìm khai thác và buôn bán một loài thực vật có hình thái tương tự sâm Ngọc Linh. Sở KHCN đã thành lập đoàn công tác phối hợp cùng các huyện tiến hành 2 chuyến khảo sát thực địa thu thập thông tin và thu thập mẫu sâm buôn bán trong dân, sâm được người dân di thực từ rừng về trồng trong rẫy và sâm trong tự nhiên. Sở KHCN đã phối hợp cùng Viện Nghiên cứu khoa học Tây Nguyên, Trường Đại học Đà Lạt thành lập nhóm nghiên cứu là các chuyên gia về phân loại thực vật, di truyền, hóa hợp chất tự nhiên, đây cũng là các nhà khoa học đã có công phát hiện và công bố sâm Lang Bian.
Qua 2 tháng, các nhà khoa học đã đi thực địa, tiến hành nghiên cứu về đặc điểm hình thái, vị trí phân bố, xác định danh pháp (tên khoa học), phân tích di truyền và hóa hợp chất tự nhiên. Kết quả phân tích đặc điểm hình thái sâm, mô tả kỹ đặc điểm sinh lý về thân, rễ củ, quả, hoa, lá đã khẳng định đây là một loài sâm tương đồng với sâm Lang Bian, là một thứ của loài sâm Việt Nam. Kết quả định danh, trực tiếp phân tích ADN cũng khẳng định đây là sâm Lang Bian 100%. Kết quả phân tích thành phần hóa học, loài sâm này không có chất majonosid-R2 là chất đặc trưng của sâm Ngọc Linh nên nó hoàn toàn không phải là sâm Ngọc Linh; sâm này có hàm lượng saponin thấp, chỉ bằng 4,78%/ mẫu khô đối với cây 10 năm (hàm lượng chất này trong sâm Ngọc Linh là 52 - 56%/mẫu khô).
|
Đặc điểm hình thái về thân, rễ, lá, hoa, quả được các nhà khoa học trình bày tại hội thảo đã khẳng định đây là sâm Lang Bian |
Từ kết quả nghiên cứu, các nhà khoa học đã khẳng định, củ sâm mà đồng bào Mông bày bán khai thác từ rừng Đam Rông, Lạc Dương thời gian gần đây không phải là sâm Ngọc Linh, mà là sâm Lang Bian có tên khoa học là Panax; có hàm lượng hoạt tính sinh học thấp, không có giá trị cao về dược liệu, nên tính thương mại không cao như sâm Ngọc Linh.
Phát biểu tại hội thảo, TS.Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã ghi nhận tinh thần làm việc khoa học, độc lập của nhóm nghiên cứu với chuyên môn sâu, có kinh nghiệm nghiên cứu về các dòng sâm, là những nhà khoa học am hiểu địa bàn, dành nhiều thời gian đi thực địa, nên kết quả thu được đáng tin cậy. Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo: Sở KHCN tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học tại hội thảo, trên cơ sở khoa học và thực tiễn, hoàn thiện làm rõ mô tả loài sâm đã nghiên cứu, đảm bảo tính toàn diện của một báo cáo khoa học, từ đó làm tư liệu cho các nhà khoa học khác tham khảo, kế thừa khi nghiên cứu sâu hơn. Đồng thời, nhanh chóng cung cấp kết quả nghiên cứu cho 2 địa phương Đam Rông và Lạc Dương để các huyện nắm rõ, làm tốt công tác quản lý, tăng cường tuyên truyền cho cộng đồng dân cư biết về giá trị thương mại của loài sâm Lang Bian tại Lâm Đồng không cao như sâm Ngọc Linh để người dân biết, không vào rừng khai thác lâm sản trái phép, vi phạm lâm luật. Sở NN-PTNN và Sở TN-MT cần tăng cường chức năng quản lý nhà nước thực hiện đa dạng sinh học và bảo tồn loài sâm Panax này.
QUỲNH UYỂN