Vẫn còn khá nhiều mặt trái của công nghệ khiến chúng ta phiền muộn, nhưng có nhiều khía cạnh tích cực cần được ghi nhận.
Vẫn còn khá nhiều mặt trái của công nghệ khiến chúng ta phiền muộn, nhưng có nhiều khía cạnh tích cực cần được ghi nhận.
Đã có rất nhiều bài báo nói về mặt trái của công nghệ, về những nỗi đau, tổn thương và xung đột mà nó mang lại cho con người trong thập kỷ qua. Các mạng xã hội đang bị đổ lỗi cho việc truyền bá tin tức giả, lối sống giả tạo (sống ảo) và khiến con người ngày càng xa cách nhau.
Ngay cả Tim Berners-Lee, người phát minh ra internet (giao thức World-Wide-Web) cũng phải thừa nhận khía cạnh tồi tệ của internet và thề sẽ tìm cách cải thiện nó.
Nhưng công nghệ, cũng giống như điện tử… phần lớn mang tính trung gian, cách mà bạn sử dụng nó mới là vấn đề. Do vậy, bên cạnh mặt tiêu cực cũng có nhiều điều tốt đẹp được tạo ra từ nó.
Trên thực tế, công nghệ không chỉ giúp cuộc sống hằng ngày của chúng ta giàu giai điệu và phong phú hơn, mà nhiều nhà đổi mới và doanh nhân cũng đang cố gắng phát triển các giải pháp để khiến nó giúp con người giải quyết một số vấn đề lớn của thế giới, trong đó một số giải pháp đã đạt được thành công đáng ghi nhận.
|
Các chân tay giả giá rẻ đang giúp trẻ em khuyết tật có thêm cơ hội hòa nhập hơn |
Dưới đây là một vài lĩnh vực mà công nghệ đã tích cực đóng góp cho cuộc sống của nhân loại, dựa theo phân tích của CNET:
Công nghệ sinh học cho mọi người
Năm 2011, tạp chí Time đã bình chọn Hugh Herr - người đứng đầu đội ngũ Biomechatronic tại viện MIT Media Lab, là " Nhà lãnh đạo của công nghệ sinh học". Nghiên cứu của Herr trong lĩnh vực chân tay giả đã cho phép anh giúp nhiều người khuyết tật mất chân tay có thể tiếp tục quay lại với các hoạt động thể thao, trong đó có bản thân anh cũng là một người khuyết tật chân tay giờ đây đã trở thành một nhà leo núi.
Công việc của Herr không có gì lạ, bởi công nghiệp chế tạo chân tay giả đã phát triển vượt bậc trong một thập kỷ qua. Nhờ công nghệ robot, các thiết bị thay thế cơ thể này đã trở nên hợp lý và dễ tháo lắp cũng như vận hành hơn, bên cạnh công nghệ in 3D đã giúp giá thành sản phẩm trở nên đại chúng.
Chân tay giả trước đây thường làm bằng kim loại, nên quá nặng với trẻ em hoặc không phù hợp vì cơ thể chúng còn phát triển, đòi hỏi phải thay thế thường xuyên. Nhưng rồi Open Bionics, một công ty có trụ sở tại Anh được thành lập vào năm 2014 với mong muốn thay đổi trở ngại này. Họ tìm cách tạo ra các cánh tay giả với mức giá thấp dành cho trẻ em, họ hợp tác với Disney để cung cấp các chủ đề siêu anh hùng cho các thiết bị robot ở các mẫu tùy biến. Công ty này đã giành nhiều giải thưởng và hiện làm việc với Dịch vụ Y tế quốc gia của Anh trong các dự án nhân đạo, bên cạnh việc mang đến nhiều điều tốt đẹp cho các trẻ em khuyết tật để chúng có thể tự tin rảo bước trên đường.
Bước tiếp theo là cải thiện phản hồi để giúp người khuyết tật phản ứng cũng như cảm thấy liền lạc khi sử dụng chân tay giả, điều đó đã xảy ra và sẽ còn nhiều kỳ tích nữa trong 10 năm tới.
Giữ an toàn cho con người
Theo Liên minh quốc gia về chống bạo lực gia đình, có một sự thật đáng buồn là mỗi năm có hơn 10 triệu người Mỹ bị lạm dụng thể xác. Theo một khía cạnh nào đó, công nghệ đã không giúp đỡ gì được cho các nạn nhân. Thậm chí, điện thoại của họ có thể bị cài các phần mềm gián điệp để theo dõi hoặc tống tiền nhằm khống chế họ.
Tuy vậy, công nghệ vẫn có thể giúp ích khi trở thành công cụ mới để chống lại những kẻ lạm dụng. Các ứng dụng kín đáo như SmartSafe hướng mọi người đến các tài nguyên và các mẹo để giúp họ an toàn khi trực tuyến và khi sử dụng điện thoại. Nó cũng cho phép người dùng bí mật ghi lại hình ảnh và video, viết ghi chú và thậm chí là ghi âm rồi lưu trữ trên đám mây theo từng mốc thời gian, qua đó có thể làm bằng chứng chống lại kẻ xấu.
Các dịch vụ dựa trên ứng dụng dạng này đang ngày càng giúp mọi người an toàn hơn trong một số tình huống cụ thể. Ví dụ, năm 2017 một nhóm các cô gái tuổi teen ở Kenya đã phát triển một ứng dụng có tên i-Cut để cho phép các cô gái báo cảnh sát hoặc cơ quan y tế thông qua nút khẩn cấp nếu họ cảm thấy bị lạm dụng. Đây chỉ là một ví dụ về cách tận dụng công nghệ để tạo ra các kết nối nhằm bảo vệ bản thân khi gặp rủi ro.
Một lối thoát cho người tị nạn
Có một nhóm người mà sự kết nối trở nên khẩn thiết hơn trong thập kỷ qua là những người tị nạn, họ buộc phải rời bỏ nhà cửa của họ trên toàn thế giới vì những xung đột của các cuộc chiến hoặc những mối nguy khác. Trong suốt mùa hè năm 2016, CNET từng chia sẻ về cách mà công nghệ giúp ích người tị nạn. Cụ thể, các phóng viên của trang tin này nhận thấy người ta tìm cách bám vào các mạng Wi-Fi ít ỏi được cung cấp trong các trại tị nạn ở Pháp và ở Đức để học ngoại ngữ, tìm việc làm và nhà ở cũng như cách hòa nhập với thế giới mới.
Trong khi ở Hy Lạp, quỹ Vodafone Foundation đang triển khai công nghệ Instant Charge di động, một bộ sạc di động có khả năng sạc cho 66 điện thoại cùng một lúc, cho phép những người vượt qua các chốn nguy hiểm từ Thổ Nhĩ Kỳ và Bắc Phi liên lạc với người thân ở quê nhà để báo rằng họ đã an toàn.
Xa hơn thế, tổ chức này đã sử dụng công nghệ lớp học “lâm thời” của họ để cung cấp các tài nguyên giáo dục dưới dạng máy tính bảng, máy tính xách tay và máy chiếu để kết nối và giúp hơn 60.000 người tị nạn ở Kenya tiếp cận với giáo dục, trong đó có nhiều trẻ em.
Ứng phó thiên tai
Ngoài việc triển khai công nghệ ứng phó khẩn cấp để giúp đỡ khủng hoảng tị nạn, quỹ Vodafone Foundation đã đưa công nghệ của họ đến các khu vực hứng chịu thiên tai trên khắp nước Mỹ, châu Á và châu Phi… Instant Network và Instant Network Mini là các mạng GSM di động giúp mang lại khả năng liên lạc cho các khu vực này trong các tình huống khẩn cấp mà không mất quá nhiều thời gian kiến tạo.
Trong một số thảm họa, các khu vực không chỉ bị ngắt kết nối mà còn mất khả năng truy cập diện rộng. Đó cũng là lúc các robot tìm kiếm và cứu hộ trở nên hữu dụng, chúng sẽ vươn tới những nơi con người không thể tới để đánh giá thiệt hại, tìm kiếm và cứu nạn.
Tại Fukushima (Nhật Bản), nơi chịu một trong những thảm họa hạt nhân lớn nhất thế giới sau trận động đất vào năm 2011, các robot đã được sử dụng để xác định mức độ thiệt hại và triển vọng phục hồi trong tương lai. Hiện các robot vẫn liên tục hoạt động ở các vùng đất chết này để thu thập dữ liệu hằng ngày.
Đối với các thảm họa dễ tiếp cận hơn, các ứng dụng sẽ giúp bạn vượt qua các kịch bản của thảm kịch. Từ chuẩn bị dụng cụ sơ cứu đến danh mục các dịch vụ giúp bạn vượt qua khủng hoảng.
|
Các trạm sạc điện thoại miễn phí dành cho người tị nạn ở Hy Lạp |
Chống săn bắn trộm
Khi nói đến việc bảo vệ kẻ yếu thế, không chỉ là con người. Chúng ta có thể nghĩ tới các động vật quý hiếm trong hệ sinh thái của trái đất, những loài đang ngày càng đứng trước nguy cơ tuyệt chủng trước nạn săn bắn trộm.
Từ các thiết bị bay không người lái (drone) với khả năng quan sát xuyên màn đêm (camera hồng ngoại) cho đến các máy ảnh được chế tạo để ngăn chặn những kẻ trộm sừng tê giác, công nghệ đã được tận dụng triệt để với nhiều cách khác nhau trong suốt thập kỷ qua nhằm hỗ trợ bảo vệ các động vật quý hiếm. Ở Trung Mỹ, nơi gần 90% trứng rùa biển bị các kẻ săn trộm đánh cắp, các nhà khoa học đã đưa ra giải pháp tinh tế để trấn áp bọn buôn bán trứng bất hợp pháp.
InvestEGGator là một thiết bị theo dõi GPS-GSM, được in 3D với bề ngoài giống hệt một quả trứng rùa thật. Sau đó chúng được bỏ vào các tổ trứng rùa mà bọn trộm cắp lấy đi, qua đó cung cấp bản đồ thời gian thực về tuyến đường buôn bán trứng để giúp các nhà chức trách theo dõi và bắt được kẻ chủ mưu.
Năm 2018, Facebook, Google , Microsoft , Pinterest, Alibaba, Yahoo và 15 công ty công nghệ lớn khác trên toàn cầu đã tham gia vào World Wildlife Fund - quỹ bảo vệ động vật hoang dã phi lợi nhuận trên toàn cầu nhằm giám sát các hành vi buôn bán động vật hoang dã và các sản phẩm từ chúng, để tạo ra liên minh toàn cầu nhằm giảm thiểu nạn buôn bán động vật hoang dã trực tuyến đang phổ biến hiện nay. Họ cùng nhau cam kết đóng cửa các trang web dùng cho mục đích buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp nhằm bảo vệ các loài cho thế hệ mai sau.
Tạo ra thế giới dễ tiếp cận hơn
Thật không may, giờ đã là năm 2019 nhưng nhiều người bị khuyết tật hoặc mắc bệnh mãn tính vẫn bị cách ly khỏi xã hội. Một trong những đóng góp quan trọng nhất của công nghệ là tạo ra một thế giới công bằng hơn, tiến bộ hơn. Nó giúp mọi người điều hướng tốt hơn với những ngôi nhà thông minh dành cho cựu chiến binh và dân số già ở Mỹ, Nhật. Một ứng dụng điều hướng có tên Wayfindr đang giúp những người khiếm thị có thể băng qua mê cung tàu điện ngầm ở London (Anh) hay băng qua đường và đọc các tín hiệu giao thông.
Phiên âm và ghi chú trực tiếp đang giúp những người không giỏi ngoại ngữ có thể tham gia các cuộc trò chuyện đa ngôn ngữ theo thời gian thực. Chúng cũng giúp các trẻ em khiếm thính có thể theo dõi và tham gia vào các cuộc giao tiếp mà không bị bỏ lại phía sau.
Công nghệ cũng giúp con người trở nên gần gũi hơn qua các hoạt động chung tay kêu gọi ngừng sử dụng túi nilon để bảo vệ môi trường hoặc các cuộc vận động hỗ trợ trẻ em miền núi tới trường, các đợt quyên góp để cứu sống một ai đó không đủ chi trả viện phí cho các ca phẫu thuật hiểm nghèo…
Đó đều là những mặt tích cực đáng ghi nhận của công nghệ, bên cạnh những phiền muộn mà nó mang lại. Tiêu cực hay tích cực một phần sẽ nằm ở cách mà bạn sử dụng chúng.
(Theo thanhnien.vn)