Kho vàng bạc trong smartphone cũ

06:12, 17/12/2019

Chiếc điện thoại thông minh (smartphone) mà bạn đang sử dụng là một kho kim loại quý bỏ túi.

Chiếc điện thoại thông minh (smartphone) mà bạn đang sử dụng là một kho kim loại quý bỏ túi.
 
Hằng năm có đến 45 triệu tấn rác điện tử bị thải loại ra môi trường
Hằng năm có đến 45 triệu tấn rác điện tử bị thải loại ra môi trường
 
Một chiếc iPhone có chứa khoảng 0,034 g vàng, 0,34 g bạc, 0,015 g palladium, gần 1/1.000 g bạch kim (platinum) và một vài kim loại thông dụng khác như nhôm (25 g) và đồng (15 g). Đó là chưa kể đến nhựa, kính và một số phần tử đất hiếm như yttrium, lanthanum, terbium, neodymium, gadolinium và praseodymium (tuy mang tên "đất hiếm" nhưng thực ra không hiếm vì chúng có rất nhiều trong vỏ Trái đất, nhưng việc khai thác khó khăn, rất tốn kém và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng).
 
Số lượng các thứ nguyên liệu nói trên thoạt nhìn có vẻ ít ỏi nhưng với hàng tỉ người sở hữu và sử dụng điện thoại thì không phải là nhỏ. Cứ mỗi 1 triệu cái smartphone nếu đem tái chế sẽ thu được 16 tấn đồng, 350 kg bạc, 34 kg vàng và 15 kg palladium. Hơn thế, hàm lượng vàng và bạc chứa trong một tấn smartphone cao hơn rất nhiều so với một tấn quặng thô. Cụ thể: 1 tấn iPhone có hàm lượng vàng cao hơn 300 lần so với hàm lượng vàng chứa trong 1 tấn quặng vàng thô và 6,5 lần so với 1 tấn quặng bạc thô.
 
Môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng ở thị trấn Quý Tự (Trung Quốc), địa phương có biệt danh "bãi rác thiết bị điện tử cũ lớn nhất thế giới"
Môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng ở thị trấn Quý Tự (Trung Quốc), địa phương có biệt danh "bãi rác thiết bị điện tử cũ lớn nhất thế giới"
 
Theo một báo cáo của Liên Hiệp Quốc về rác điện tử (e-waste), thì 41 chiếc điện thoại có chứa 1 gam vàng, còn theo hãng công nghệ Umicore (Bỉ), chỉ cần xử lý 35 chiếc điện thoại là có thể thu được lượng vàng tương tự. Như vậy, nếu xử lý 1 tấn điện thoại (không có pin) là người ta có thể thu về 300 gam vàng. Theo số liệu của tổ chức nghiên cứu Pew Research Center (Mỹ), năm 2018 toàn thế giới có khoảng 5 tỉ người dùng điện thoại di động, trong đó một nửa là smartphone, và bình quân cứ 11 tháng người ta lại đổi máy mới, máy cũ sẽ bị vất vào ngăn chứa đồ cũ hay ném vào thùng rác.
 
Hiện nay, chỉ mới khoảng 10% số smartphone cũ được tái chế để thu lại các kim loại quý và một số linh kiện có thể tái sử dụng. Bạn có thể hỏi rằng với khả năng thu hồi được một khối lượng kim loại quý nhiều đến thế, tại sao người ta không tái chế toàn bộ lượng smartphone cũ? Trở ngại lớn nhất ở đây là làm sao để thu hồi những nguyên liệu này một cách an toàn cho con người và môi trường, và phải ít tốn kém. Đối với những doanh nghiệp xử lý và tái chế rác thải điện tử, trở ngại lớn nhất là hiệu quả kinh tế: lượng vàng thu được trong một chiếc điện thoại có trị giá chỉ khoảng 1,67 USD (38.600 đồng), quá thấp nếu so với tổng chi phí bỏ ra để xử lý.
 
Xử lý rác điện tử theo phương pháp thủ công thì chi phí thấp nhưng gây nguy hại cho sức khỏe con người và ô nhiễm môi trường
Xử lý rác điện tử theo phương pháp thủ công thì chi phí thấp nhưng gây nguy hại cho sức khỏe con người và ô nhiễm môi trường
 
Việc tái chế smartphone (cũng như các thiết bị điện tử khác) để thu hồi vàng bạc và các kim loại khác có quy trình công nghệ rất phức tạp nên chi phí cao gấp nhiều lần so với việc khai thác từ các mỏ quặng thô. Còn nếu xử lý kiểu thủ công thì chi phí thấp nhưng mang lại những tác động cực kỳ nghiêm trọng cho sức khỏe con người và môi trường sống. Một lượng cực lớn những rác thải công nghệ (trong đó có điện thoại di động) được chuyển đến những nước như Trung Quốc, một số nước ở châu Á và châu Phi, nơi chúng được xử lý bằng những phương pháp thủ công kém an toàn.
 
Điển hình là thị trấn Quý Tự ở Trung Quốc hiện nổi tiếng khắp thế giới với danh hiệu "bãi rác thiết bị điện tử lớn nhất thế giới". Cư dân ở đây đã phải gánh chịu những căn bệnh hiểm nghèo và không khí, đất đai, sông rạch thì bị ô nhiễm rất nặng do các kim loại nặng độc hại chứa trong thiết bị điện tử như arsenic, chì, thủy ngân, chrôm, cadmium...
 
Ngay cả ở những nước phát triển, việc tái chế thiết bị điện tử cũ vẫn gặp nhiều trở ngại do công nghệ xử lý đạt tiêu chuẩn an toàn thì chi phí quá cao. Nên, với số lượng rác thải điện tử khổng lồ là 45 triệu tấn/năm (trong đó 10% là smartphone), vấn đề xử lý sao cho ổn thỏa đến nay vẫn chưa có lời giải đáp.
 
Trung Quốc đứng đầu thế giới về lượng rác điện tử với 7,2 triệu tấn năm 2016
Trung Quốc đứng đầu thế giới về lượng rác điện tử với 7,2 triệu tấn năm 2016
(Theo thanhnien.vn)