(LĐ online) - Ngày 5/12, tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV - Đà Lạt, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước - Bộ Nội vụ đã tổ chức hội thảo "Công bố tài liệu lưu trữ quốc gia - Những vấn đề lý luận...
(LĐ online) - Ngày 5/12, tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV - Đà Lạt, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước - Bộ Nội vụ đã tổ chức hội thảo “Công bố tài liệu lưu trữ quốc gia - Những vấn đề lý luận và thực tiễn”. Hội thảo có sự tham dự của bà Thongchanh Keosenhom, Cục trưởng Cục Lưu trữ Quốc gia - Bộ Nội vụ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, các cán bộ làm công tác lưu trữ đến từ các bộ, ngành trung ương, các nhà khoa học đến từ các trường, viện đại học có đào tạo ngành lưu trữ, các chi cục, các trung tâm lưu trữ trên cả nước. Ông Đặng Thanh Tùng - Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước chủ trì hội thảo.
|
Toàn cảnh hội thảo |
Tài liệu lưu trữ có vai trò, giá trị to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bởi nó phản ánh đầy đủ, chân thực mọi mặt của đời sống xã hội. Hiện nay 4 Trung tâm Lưu trữ quốc gia thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước đang quản lý trên 30 km giá tài liệu lưu trữ có ý nghĩa quốc gia được viết bằng các ngôn ngữ Hán - Nôm, Pháp, Anh, Việt… trên các vật mang tin bằng giấy, mộc bản, phim, ảnh, ghi âm tiếng nói… Những tài liệu này được hình thành trong quá trình hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, gia đình, dòng họ tiêu biểu ở Việt Nam từ thế kỷ XIX đến nay.
Suốt những năm qua, ngành lưu trữ đã cố gắng làm tốt việc bảo vệ, bảo quản an toàn và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ quốc gia mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó, không ngừng nỗ lực đưa tài liệu lưu trữ phục vụ ngày càng tốt hơn yêu cầu khai thác, sử dụng của các cơ quan, đơn vị và Nhân dân.
|
Đại biểu tham dự hội thảo tham quan không gian trưng bày công bố tài liệu lưu trữ Mộc bản Triều Nguyễn tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV |
Hội thảo đã diễn ra với 16 tham luận quanh các vấn đề: Lý luận về công bố học và những vấn đề đặt ra (PGS.TS.Vũ Thị Phụng - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội), Hoạt động công bố, giới thiệu tài liệu lưu trữ quốc gia - Kết quả và định hướng trong thời gian tới (Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước), Công tác công bố tài liệu lưu trữ tại Lưu trữ Lịch sử của Trung ương Đảng (Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng), Công bố tài liệu lưu trữ của ngành Ngoại giao (Trần Thái Minh Tâm - Bộ Ngoại giao), Công bố tài liệu lưu trữ trong lĩnh vực Quốc phòng (ThS.Nguyễn Quang Đạt - Phòng Bảo mật lưu trữ Bộ Quốc phòng), Công bố và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ trong thời đại công nghệ (Nguyễn Thị Thanh Thủy, Trần Thị Vui - Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II), Công bố tài liệu về biên giới và hải đảo góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh thổ Việt Nam (Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III), Công tác phát huy giá trị tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV (Trần Thị Minh), Tổ chức sử dụng tài liệu lưu trữ tại Cục Lưu trữ Quốc gia - Bộ Nội vụ Lào (Thongchanh Keosenhom), Một số kinh nghiệm của các cơ quan Lưu trữ ở Trung Quốc và Hoa Kỳ trong công bố tài liệu lưu trữ (ThS.Vũ Thị Thu Hiền - Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước), Tình hình công bố tài liệu lưu trữ tại các tỉnh An Giang, Cần Thơ…
Hội thảo đã tổng kết lại một số vấn đề lý luận về công bố học, những kết quả đạt được, hạn chế, nguyên nhân của những tồn tại trong hoạt động công bố tài liệu lưu trữ quốc gia. Từ đó, đưa ra giải pháp phù hợp nhằm đẩy mạnh hoạt động công bố, giới thiệu tài liệu lưu trữ, phát huy có hiệu quả hơn nữa giá trị của tài liệu lưu trữ quốc gia trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
QUỲNH UYỂN