Bộ hài cốt từ thời nhà Thương còn khá nguyên vẹn và được chôn trong tư thế đặc biệt, giúp hé lộ nghi thức hiến tế cổ xưa.
Bộ hài cốt từ thời nhà Thương còn khá nguyên vẹn và được chôn trong tư thế đặc biệt, giúp hé lộ nghi thức hiến tế cổ xưa.
Bộ hài cốt được phát hiện ở Tế Nguyên, tỉnh Hà Nam. |
Các nhà khảo cổ khai quật bộ hài cốt dưới một hố chôn hiến tế trong khu khảo cổ Chaizhuang ở Tế Nguyên, tỉnh Hà Nam, Xinhua hôm 16/4 đưa tin. Hố chôn này tồn tại từ thời nhà Thương (năm 1600 - 1046 trước Công nguyên). Điều đặc biệt là hài cốt đã bị chặt đầu, chôn trong tư thế quỳ gối về hướng bắc và hai tay bắt chéo phía trước.
"Bộ hài cốt còn khá nguyên vẹn với tư thế giống chữ Kan trong giáp cốt văn", Liang Fawei, trưởng nhóm dự án khai quật Chaizhuang, cho biết. Phát hiện mới giúp giới khoa học hiểu thêm về các nghi thức thời cổ đại.
Giáp cốt văn là một loại ngôn ngữ Trung Quốc viết trên mai rùa và xương động vật. Đây là dạng nguyên sơ của chữ Trung Quốc và là bộ chữ hoàn chỉnh cổ xưa nhất ở nước này.
Theo nghiên cứu về giáp cốt văn khai quật tại Ân Khư, văn hóa hiến tế rất phổ biến trong thời nhà Thương. Những chữ tượng hình như She, Shi, Tan, Kan được sử dụng để miêu tả hoạt động hiến tế của các nghi thức khác nhau. Trong đó, Kan miêu tả cách hiến tế người hoặc gia súc, gia cầm, dưới hố chôn.
Hài cốt người hiến tế được phát hiện đến nay chủ yếu trong tư thế nằm. Tuy nhiên, dựa vào thông tin trong giáp cốt văn, các chuyên gia cho rằng có thể hiến tế theo Kan mới là cách thức phổ biến hơn vào thời kỳ đó.
Các nhà khoa học tại Viện Khảo cổ và Di tích văn hóa Hà Nam và Nhóm nghiên cứu Di tích văn hóa Tế Nguyên đã khai quật 6.000m2 tại khu khảo cổ Chaizhuang kể từ năm 2019. Họ tìm thấy tàn tích nhà cửa, đường đi, hố tro, giếng, cùng nhiều đồ tạo tác bằng đá, xương, gốm và ngọc bích.
(Theo VnExpress)