Tầng ozone có lỗ thủng lớn nhất từ trước đến nay ở Bắc Cực

06:04, 14/04/2020

Thông thường thì một lỗ thủng tầng ozone năm nào cũng xuất hiện ở khu vực phía trên Nam Cực, nhưng mới đây nó xuất hiện ở Bắc Cực và khiến các nhà khoa học đặc biệt chú ý.

Thông thường thì một lỗ thủng tầng ozone năm nào cũng xuất hiện ở khu vực phía trên Nam Cực, nhưng mới đây nó xuất hiện ở Bắc Cực và khiến các nhà khoa học đặc biệt chú ý.
 
Hình ảnh về lỗ thủng tầng ozone mới xuất hiện ở phía trên Vòng cực Bắc
Hình ảnh về lỗ thủng tầng ozone mới xuất hiện ở phía trên Vòng cực Bắc
 
Theo Nature, các nhà khoa học từ Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) tuần này cho biết một lỗ thủng tầng ozone lớn đã xuất hiện ở Bắc Cực, với kích thước lớn gấp 3 đảo Greenland. Đây là lỗ thủng tầng ozone lớn nhất từng được ghi nhận ở khu vực Bắc Bán cầu.
 
"Theo quan điểm của tôi, đây là lần đầu tiên mà bạn thật sự có thể nói rằng một lỗ thủng tầng ozone đã xuất hiện ở Bắc Cực", ông Martin Dameris, nhà khoa học khí quyển tại Trung tâm Hàng không vũ trụ Đức ở Oberpfaffenhofen, nhận định.
 
Tầng ozone (O3) là một lớp của tầng khí quyển trái đất hoạt động như một hàng rào bảo vệ bề mặt Trái Đất khỏi các tia có hại của Mặt Trời. Các hoá chất nhân tạo thuộc nhóm chlorofluorocarbons (CFCs) - vốn từng được sử dụng rộng rãi để làm lạnh - đã phá huỷ tầng ozone trong thế kỷ qua, khiến nó trở nên mỏng hơn và bị thủng một lỗ lớn ở vùng Nam Cực kể từ thập niên 1980.
 
Các nhà khoa học cho rằng "tình trạng khí quyển bất thường" là nguyên nhân gây ra lỗ hổng lớn trên tầng ozone lần này, bao gồm nhiệt độ đóng băng ở trên cao đã kéo các đám mây lại với nhau. Khí thải công nghiệp sẽ phản ứng với những đám mây này để ăn mòn tầng ozone.
 
Trong khi nhiệt độ liên tiếp giảm mạnh ở Nam Cực mỗi năm, những điều kiện này hiếm khi xuất hiện ở phía Bắc, khiến cho sự ăn mòn tầng ozone ít diễn ra hơn.
 
Ông Markus Rex, một nhà khoa học khí quyển tại Viện Alfred Wegener ở thành phố Postdam, Đức, cho biết những cơn gió mạnh đã tạo ra một cơn lốc xoáy vùng cực, dẫn đến nhiệt độ Bắc Cực sụt giảm mạnh hơn bất cứ mùa đông nào từng được ghi nhận từ năm 1979. Nhiệt độ thấp hơn dẫn đến những đám mây tích tụ ở trên cao, và tầng ozone bị ăn mòn.
 
Sau khi Nghị định thư Montreal được ký năm 1987, 197 quốc gia trên thế giới đã đồng ý loại bỏ các chất CFCs để bảo vệ tầng ozone, và điều này đã góp phần làm giảm kích thước của lỗ hổng ở Nam Cực.
 
Trong khi lỗ thủng ở phía bắc là đáng quan tâm, các nhà khoa học cho biết nhiều khả năng nó sẽ biến mất trong tháng tới, khi nhiệt độ tăng lên. Lỗ hổng ở phía bắc không đáng lo ngại bằng cái ở phía nam và hiện không đe doạ sức khoẻ con người.
 
Ông Rex cho biết nếu lỗ thủng này trôi xuống phía nam trong những tháng tới, người dân cần phải cẩn trọng và bôi kem chống nắng trước khi ra đường để bảo vệ da trước tia cực tím.
 
(Theo Zing.vn)