Công nghệ thông tin vì mục tiêu 'không ai bị bỏ lại phía sau'

06:05, 18/05/2020

Ngày Xã hội thông tin và Viễn thông thế giới 17/5 năm nay đánh dấu 155 năm thành lập Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU).

Ngày Xã hội thông tin và Viễn thông thế giới 17/5 năm nay đánh dấu 155 năm thành lập Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU).
 
Các đại biểu tham dự phiên họp trực tuyến mở về tình hình Iraq ngày12/5/2020
Các đại biểu tham dự phiên họp trực tuyến mở về tình hình Iraq ngày12/5/2020
 
Với chủ đề “Kết nối 2030: Công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT) vì Các mục tiêu phát triển bền vững (SDG)”, Liên hợp quốc (LHQ) muốn khẳng định tầm quan trọng của việc phát huy những tiến bộ công nghệ trong 10 năm tới để đẩy nhanh việc đạt được SDG, theo chương trình “Thập niên hành động” để hiện thực hóa SDG vào năm 2030 mà Tổng Thư ký LHQ António Guterres đã phát động hồi tháng 1 vừa qua. 
 
Vai trò CNTT-TT trở nên đặc biệt quan trọng trong bối cảnh thế giới hiện đang bước vào thập niên cuối cùng của SDG với 17 mục tiêu như một lộ trình để chấm dứt đói nghèo, chống bất bình đẳng và chống biến đổi khí hậu. Đại dịch COVID-19 lại càng làm nổi bật vai trò không thể thiếu của CNTT-TT đối với đời sống, kinh tế-xã hội. Những công nghệ mới như 5G và giao thông thông minh, Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo (AI) và blockchain đã và đang góp phần cải thiện cuộc sống của mọi người và tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế và xã hội. Trong thông điệp Ngày Xã hội thông tin và Viễn thông thế giới, Tổng Thư ký ITU Houlin Zhao đã nhấn mạnh “những công nghệ và cải tiến mới này có tiềm năng lớn cho sự tiến bộ của con người; chúng là một công cụ mạnh mẽ để đạt được mọi mục tiêu phát triển bền vững”.
 
Chương trình nghị sự toàn cầu về phát triển đến năm 2030, được các nước thành viên LHQ thông qua tháng 9/2015, đòi hỏi phải có sự chuyển đổi xã hội sâu sắc và nhanh hơn so với trước đây để có thể đáp ứng các mục tiêu toàn cầu này. Chương trình nghị sự 2030 cũng đòi hỏi sự tham gia nhiều hơn của khu vực tư nhân, đặc biệt trong việc cung cấp các giải pháp công nghệ có thể mang lại sự thay đổi trong những lĩnh vực ưu tiên.
 
Như đã được công nhận trong Chương trình nghị sự 2030, sự trải rộng của CNTT-TT cùng khả năng kết nối toàn cầu mở ra tiềm năng lớn để thúc đẩy tiến bộ của loài người, giúp thu hẹp khoảng cách số và phát triển xã hội tri thức, cũng như sự đổi mới khoa học và công nghệ trên các lĩnh vực như dược phẩm và năng lượng. Việc tăng cường kết nối, công nghệ kỹ thuật số, hệ thống thông tin và sử dụng Internet có khả năng tạo việc làm thông qua các ứng dụng và dịch vụ, như nông nghiệp điện tử và tài chính kỹ thuật số; giảm thiểu bất bình đẳng bằng cách tạo điều kiện cho việc tiếp cận các dịch vụ cơ bản như y tế điện tử và giáo dục trực tuyến; giúp xóa đói giảm nghèo; giám sát và giảm thiểu tình trạng biến đổi khí hậu và duy trì tài nguyên thiên nhiên; giúp các chính phủ kết nối tốt hơn với người dân thông qua các công cụ chính phủ điện tử; cũng như cải thiện sự hiệu quả và tính minh bạch. Cả 3 trụ cột của phát triển bền vững gồm phát triển kinh tế, hòa nhập xã hội và bảo vệ môi trường đều cần CNTT-TT như chất xúc tác chính để thực hiện.
 
Giới chuyên gia cũng nhận định CNTT-TT có tiềm năng to lớn giúp đẩy nhanh và tăng tốc độ “khuếch tán” của một loạt các công nghệ, ứng dụng và nền tảng tiên tiến trên toàn nền kinh tế, là công cụ đắc lực giúp các nước thu nhập thấp có bước tiến nhảy vọt để đạt được những mốc phát triển quan trọng, trong khi đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế. CNTT-TT giúp đẩy mạnh nâng cấp các dịch vụ quan trọng trong y tế, giáo dục, dịch vụ tài chính, nông nghiệp thông minh và hệ thống năng lượng carbon thấp. CNTT-TT còn có thể giảm đáng kể chi phí triển khai các dịch vụ mới, như trong chăm sóc y tế, giúp nâng cao vai trò của các nhân viên y tế cộng đồng với chi phí thấp, tạo điều kiện cho việc chẩn đoán và điều trị được thực hiện ở cấp cộng đồng thay vì các bác sĩ ở các cơ sở có chi phí cao.  
 
Trong giáo dục, CNTT cho phép sinh viên truy cập vào bài giảng trực tuyến chất lượng ngay cả khi thiếu hụt giáo viên chuyên môn tại địa phương. Tài chính trực tuyến cho phép các cá nhân tiếp cận được các dịch vụ ngân hàng ngay cả ở những khu vực không có ngân hàng.
 
CNTT-TT còn thúc đẩy sự phổ biến của công nghệ bằng cách cung cấp các nền tảng trực tuyến chi phí thấp để đào tạo. Ví dụ, cuộc cách mạng Khóa học trực tuyến quy mô lớn (MOOCs) cho phép sinh viên mọi nơi có thể truy cập miễn phí vào các khóa học chất lượng cao, bao gồm các khóa học về thiết kế và sử dụng CNTT-TT. Các tài liệu đào tạo đặc biệt cũng đang được cung cấp trên điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính xách tay và các thiết bị khác.
 
Bên cạnh đó, CNTT-TT có thể giúp nâng cao đáng kể nhận thức cộng đồng về các dịch vụ và công nghệ mới. Trước đây, thông tin về các công nghệ mới được lan truyền bằng lời nói hay các sự kiện triển lãm tại địa phương và các chương trình và dịch vụ của chính phủ. Giờ đây, người dân có thể dễ dàng tiếp cận với dòng chảy thông tin liên tục cập nhật trên Internet, truyền thông xã hội, thông tin di động và các kênh điện tử khác. Với những lợi ích to lớn, việc tận dụng và khai thác triệt để những tiềm năng của CNTT-TT là một yếu tố quan trọng để đạt được SDG vào năm 2030.
 
Với tư cách là cơ quan chuyên môn của LHQ về CNTT và kết nối toàn cầu, ITU đã và đang đóng vai trò chính trong việc thúc đẩy sự thịnh vượng trong thế giới số thông qua điều phối CNTT-TT. Để tối đa hóa sự đóng góp của ITU cho Chương trình nghị sự 2030, trọng tâm chính của liên minh là giải quyết SDG 9-xây dựng cơ sở hạ tầng vững chắc, đẩy mạnh công nghiệp hóa rộng mở và bền vững, khuyến khích đổi mới - và mục tiêu 9.c nhằm tăng khả năng tiếp cận CNTT-TT và cung cấp tiếp cận Internet phổ cập với giá cả phải chăng. Cơ sở hạ tầng hình thành nên “xương sống” của nền kinh tế số chính là thành tố thiết yếu để những ứng dụng công nghệ và giải pháp tiềm năng giúp phục vụ việc đạt được SDG.
 
Trong kế hoạch chiến lược mới, ITU cũng dành riêng một phần nêu bật những mục tiêu SDG liên quan nhất đối với ITU, như SDG 4 về đảm bảo giáo dục chất lượng, rộng mở và công bằng và nâng cao cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người; SDG 5 về đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái. Các SDG khác, như SDG 10-giảm bất bình đẳng trong mỗi quốc gia và giữa các quốc gia; SDG 8-thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dài hạn, rộng mở và bền vững, việc làm đầy đủ và năng suất và công việc tốt cho tất cả mọi người; SDG 1-Xóa nghèo dưới mọi hình thức ở mọi nơi và SDG 3-Đảm bảo cuộc sống khỏe mạnh và nâng cao phúc lợi cho tất cả mọi người… đều sẽ có tác động lớn nhất  với sự hỗ trợ của CNTT-TT và  ITU.
 
Tuy nhiên, một số ý kiến lo ngại sự ra đời của các công nghệ mới có thể gây phản tác dụng đối với xã hội, làm thụt lùi thay vì thúc đẩy nỗ lực đạt được SDG. Các ứng dụng CNTT-TT tiên tiến thường được mặc định chỉ dành cho những người giàu có và có thể loại trừ những người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội. Thống kê của ITU cho thấy gần 50% người dân trên thế giới không sử dụng Internet. Ngay cả trước khi xảy ra dịch COVID-19, nhiều người không tiếp cận được với Internet đã phải đối mặt với tương lai u ám do bị cô lập, giảm cơ hội việc làm và giáo dục.
 
Một rủi ro đáng lưu tâm khác, chính xác là điều đang xảy ra trên thực tế, đó là xã hội ngày càng phụ thuộc vào công nghệ số và dữ liệu của nó được sử dụng để đưa ra quyết định. Ngoài ra, nhiều người lo ngại về tác động của công nghệ mới đối với thị trường lao động, đặc biệt là quá trình tự động hóa có thể đẩy người lao động đứng trước nguy cơ mất kế sinh nhai. CNTT-TT còn bị lợi dụng để thực hiện các hành vi phạm tội, kích động sự thù hận, phát tán tin giả hay xâm phạm đời tư. Những hiệu ứng tiêu cực trên cho thấy việc đảm bảo CNTT-TT được khai thác vì lợi ích cho sự phát triển bền vững song song với nỗ lực giảm thiểu những “tác dụng phụ” đang là một thách thức lớn.
 
Giới chuyên gia đã chỉ ra sự cần thiết phải tìm kiếm các giải pháp sáng tạo nhằm thúc đẩy những thay đổi tích cực nhờ CNTT-TT. Điều này đòi hỏi sự phối hợp hiệu quả giữa chính phủ các nước, các bên liên quan và cả công dân để tận dụng “trí tuệ” tập thể. Đồng thời, các nước phải xây dựng “sự thấu hiểu và tin cậy lẫn nhau” để đảm bảo sự phối hợp hiệu quả. Ngoài ra, các nhà hoạch định chính sách cũng cần nâng cao nhận thức lẫn năng lực, vốn không chỉ cần thiết để thúc đẩy thay đổi tư duy trong khu vực công, mà còn thúc đẩy đầu tư vào khoa học và công nghệ, cũng như lên kế hoạch hành động và chính sách mà theo đó, CNTT-TT có thể giúp giảm thiểu bất bình đẳng và vá “những lỗ hổng” trong SDG.
 
CNTT-TT có tiềm năng lớn giúp đạt SDG, song sự đổi mới rất có thể sẽ ảnh hưởng đến tiến trình này theo cách tích cực lẫn tiêu cực. Để hiện thực hóa SDG trong bối cảnh không phải tất cả người dân có khả năng tiếp cận các công nghệ mới, CNTT-TT cần được kết hợp với các chính sách, dịch vụ và giải pháp sáng tạo để mang lại sự chuyển đổi với tốc độ và quy mô chưa từng có, song vẫn đảm bảo cam kết “không ai bị bỏ lại phía sau” trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
 
(Theo TTXVN)