Phát hiện đầu mũi tên 48.000 năm tuổi bằng xương động vật

06:06, 16/06/2020

Vết tích trên các vật nhọn tìm thấy tại hang Fa-Hien Lena hé lộ, chúng nhiều khả năng là đầu mũi tên được người xưa dùng để săn bắn.

Vết tích trên các vật nhọn tìm thấy tại hang Fa-Hien Lena hé lộ, chúng nhiều khả năng là đầu mũi tên được người xưa dùng để săn bắn.
 
Hàng loạt đầu mũi tên cổ xưa được tìm thấy trong hang Fa-Hien Lena.
Hàng loạt đầu mũi tên cổ xưa được tìm thấy trong hang Fa-Hien Lena.
 
Nhóm nhà khoa học quốc tế phát hiện 130 vật nhọn làm chủ yếu từ xương khỉ tại hang Fa-Hien Lena, Sri Lanka, IFL Science hôm 12/6 đưa tin. Tất cả đều bị mẻ, xước và có các dấu vết va chạm khác khớp với vết hư hại do hoạt động săn bắn. Nhóm nghiên cứu cho rằng những vật nhọn cổ xưa nhất trong số đó dùng để săn khỉ. Ngoài ra, việc chúng có độ dài tăng dần theo thời gian cho thấy các thế hệ sau săn động vật lớn hơn, ví dụ như hươu hay lợn.
 
Những vết khía trên các vật nhọn chỉ ra chúng từng được gắn vào cán mỏng. Dựa vào kích thước và cân nặng, các nhà khoa học loại trừ khả năng người xưa dùng ống thổi để phóng số vũ khí này. Họ nhận định, khả năng cao chúng là đầu mũi tên. Những chiếc lâu đời nhất trong số đó có niên đại 48.000 năm, là vũ khí dạng cung tên cổ xưa nhất được tìm thấy ngoài châu Phi. Nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Science Advances.
 
Trước đó, bằng chứng sớm nhất của vũ khí phóng tốc độ cao tại khu vực Nam Á là những đầu mũi tên 32.000 năm tuổi được phát hiện ở Sarawak, Borneo. Nhóm tác giả của nghiên cứu mới cũng nhận xét, đầu mũi tên tại hang Fa-Hien Lena rất giống với chúng. Điểm khác biệt chính là các vũ khí ở Sarawak làm từ xương của những loài động vật có vú lớn hơn.
 
Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện nhiều công cụ mà người xưa dùng để xử lý da động vật và sợi thực vật, tạo thành quần áo. Với nhiệt độ ấm áp trong rừng nhiệt đới, những cư dân tại đây không cần mặc da thú để giữ ấm. Thay vào đó, nhóm chuyên gia cho rằng họ dùng nó làm lớp bảo vệ khỏi côn trùng mang bệnh.
 
Ngoài vũ khí và công cụ chế tạo quần áo, nhóm nhà khoa học còn tìm thấy các loại hạt trang trí và vỏ động vật biển, nhiều khả năng dùng để trao đổi giống như tiền. Sự xuất hiện của các vật dụng bắt nguồn từ biển đặc biệt thú vị. Điều đó cho thấy mạng lưới trao đổi hàng hóa đã kết nối người sống trong rừng với các cư dân ven biển.
 
Nghiên cứu mới góp phần tạo nên bức tranh chi tiết về trình độ kỹ thuật và xã hội phức tạp của những cư dân đầu tiên sống trong rừng cây tại Nam Á, hé lộ cách họ sinh tồn và phát triển trong môi trường đầy thách thức này.
 
(Theo VnExpress)