Vai trò của Facebook như một nguồn cung cấp tin tức đang suy giảm ở Australia, với tỷ lệ người dân tìm đọc tin tức trên mạng xã hội này giảm từ 45% vào năm 2016 xuống còn 39% vào năm 2020.
Vai trò của Facebook như một nguồn cung cấp tin tức đang suy giảm ở Australia, với tỷ lệ người dân tìm đọc tin tức trên mạng xã hội này giảm từ 45% vào năm 2016 xuống còn 39% vào năm 2020.
Ảnh minh họa |
Tại Sydney, báo cáo Tin tức Kỹ thuật số năm 2020 vừa được Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters của Đại học Oxford (Anh) công bố cho thấy vai trò của Facebook như một nguồn cung cấp tin tức đang suy giảm ở Australia, với tỷ lệ người dân tìm đọc tin tức trên mạng xã hội này giảm từ 45% vào năm 2016 xuống còn 39% vào năm 2020.
Báo cáo nghiên cứu cũng cho thấy 64% độc giả Australia bày tỏ lo ngại về thông tin sai lệch trong tin tức báo chí. So với các trang tin và nền tảng xã hội khác, Facebook có tỷ lệ độc giả lo ngại về tin giả hoặc thông tin sai lệch cao nhất, ở mức 36%.
Được tiến hành hàng năm với mục đích cung cấp một bức tranh về tình hình sử dụng tin tức trong bối cảnh truyền thông kỹ thuật số, nghiên cứu trên cho thấy các kênh trực tuyến, bao gồm các phiên bản điện tử của báo in và phương tiện truyền thông xã hội, tiếp tục là nguồn tin tức chủ yếu ở Australia, tiếp theo là truyền hình và các tờ báo in.
Theo kết quả nghiên cứu, các đài phát thanh và truyền hình công ích ABC và SBS được người dân Xứ Chuột túi đánh giá là các nguồn tin tức đáng tin cậy nhất, với tỷ lệ tin tưởng lần lượt là 72% và 71%, trong khi nhật báo The Australian thuộc sở hữu của hãng truyền thông News Corp được coi tờ báo đáng tin cậy nhất trong số các tờ báo in và kỹ thuật số với tỷ lệ 56%.
Xếp theo sau là hai tờ The Age và Sydney Morning Herald thuộc sở hữu của tập đoàn truyền thông Nine, với tỷ lệ lần lượt là 54% và 53%.
Giám đốc Trung tâm nghiên cứu truyền thông và tin tức thuộc Đại học Canberra, Kerry McCallum nhận xét nhu cầu đọc tin tức ở Australia tăng vọt trong cuộc khủng hoảng cháy rừng và đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nhất là tin tức trên truyền hình.
Theo ông McCallum, mỗi khi xảy ra các sự kiện lớn trực tiếp ảnh hưởng đến sự an toàn và phúc lợi của người dân, người dân sẽ tìm đến các nguồn thông tin tin cậy, chính xác và cập nhật. Điều này càng khẳng định vai trò quan trọng của các phương tiện truyền thông tin tức vào các thời điểm xảy ra khủng hoảng.
(Theo Vietnam+)