Biến chủng mới của virus corona đang lây lan mạnh hơn chủng virus ở Vũ Hán

12:07, 13/07/2020

Các nhà khoa học đang theo dõi sát một biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 gọi là D614G. Vì lý do nào đó nó đang lây lan nhanh trên toàn cầu, vượt qua chủng D ban đầu ở Vũ Hán.

Các nhà khoa học đang theo dõi sát một biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 gọi là D614G. Vì lý do nào đó nó đang lây lan nhanh trên toàn cầu, vượt qua chủng D ban đầu ở Vũ Hán.
 
Virus corona dùng các gai protein (xanh đậm) để xâm nhập tế bào, bắt tế bào nhân bản RNA (màu vàng) của nó
Virus corona dùng các gai protein (xanh đậm) để xâm nhập tế bào, bắt tế bào nhân bản RNA (màu vàng) của nó
 
Theo trang Live Science, biến chủng D614G (hay chủng G) của virus SARS-CoV-2 xuất hiện rải rác từ tháng 2-2020. Tuy nhiên, những tháng gần đây, các mẫu bệnh phẩm có sự hiện diện của nó ngày càng tăng trên khắp thế giới.
 
Hiện tượng này làm các nhà khoa học quan tâm. Họ chưa hiểu rõ chủng G với đột biến trên gai protein có làm nó dễ lây lan hơn so với chủng D vốn từng phổ biến ở Vũ Hán không, hay sự gia tăng nhanh chóng của nó chỉ là tình cờ.
 
Trong nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Cell đầu tháng này, một nhóm khoa học nhận định chủng G nổi lên sau quá trình chọn lọc tự nhiên, theo đó đột biến trên gai giúp virus dễ dàng xâm nhập tế bào hơn so với các chủng khác.
 
Một số thí nghiệm khác chưa công bố chính thức cũng tìm ra kết quả tương tự.
 
Trước ngày 1-3, hơn 90% mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân COVID-19 đều là chủng D. Nhưng từ đó về sau chủng G bắt đầu nổi lên, chiếm đến 67% trong tháng 3, rồi tăng lên 78% từ ngày 1-4 đến ngày 18-5. Đây là giai đoạn tâm dịch COVID-19 chuyển từ Trung Quốc sang châu Âu và Mỹ.
 
Chủng G gây sự chú ý của giới khoa học vì chiếm lĩnh một số khu vực địa lý từng do chủng D thống trị, bà Bette Korber - nhà sinh học thuộc Phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamos (New Mexico, Mỹ), tác giả công trình đăng trên tạp chí Cell - cho biết.
 
Bà Korber và các đồng nghiệp thuộc ĐH Duke và Viện Miễn dịch học La Jolla (Mỹ) so sánh khả năng nhân bản của chủng G và D trong phòng thí nghiệm, kết quả là chủng G xâm nhập tế bào gấp 2,6 - 9,3 lần so với chủng D.
 
Tuy nhiên đây chưa phải kết luận cuối cùng. Một số nhà nghiên cứu cho rằng chủng G có thể nổi lên chỉ do tình cờ, ví dụ nó lọt vào một cộng đồng dân số có sự kết nối nhiều hơn, tạo ra nhiều sự kiện siêu lây nhiễm.
 
"Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến khả năng lây của virus, ví dụ khả năng rời cơ thể vật chủ, khả năng sống sót ở môi trường bên ngoài cho đến khi tìm được vật chủ mới...", nhà dịch tễ Nathan Grubaugh của Đại học Yale (Mỹ) nhận xét.
 
(Theo Tuoitre.vn)