Những năm gần đây, hoạt động nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Đà Lạt luôn đạt được những kết quả cao trong nhiều lĩnh vực...
Những năm gần đây, hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) của Trường Đại học Đà Lạt luôn đạt được những kết quả cao trong nhiều lĩnh vực. Các thế hệ sinh viên đã có nhiều nỗ lực để có những đề tài nghiên cứu vừa phục vụ mục đích học tập, vừa mang tính ứng dụng cao trong thực tiễn.
Sinh viên ngành Hóa học môi trường thử nghiệm đề tài. Ảnh do ĐH Đà Lạt cung cấp |
Tiến sĩ Trịnh Thị Tú Anh - Trưởng phòng Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế (HTQT) Trường ĐH Đà Lạt cho biết, trong những năm vừa qua, hoạt động NCKH - HTQT của Đại học Đà Lạt đã có những bước phát triển đáng kể về số lượng các đề tài và kinh phí dành cho NCKH. Hoạt động NCKH của trường cũng đã tạo ra một số sản phẩm khoa học phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đào tạo, bao gồm các quy trình công nghệ, một số sản phẩm giống cây trồng, chế phẩm sinh học… Những thành quả này đã có những tác động nhất định đến sự phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh Tây Nguyên - Nam Trung Bộ, góp phần đưa tiến bộ khoa học đến với hoạt động sản xuất của người dân khu vực, đồng thời góp phần đào tạo nguồn lực khoa học công nghệ cho các địa phương, và sự tăng trưởng của các doanh nghiệp thông qua hoạt động dịch vụ khoa học công nghệ.
Trường Đại học Đà Lạt luôn xác định rằng NCKH là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm; chú trọng nâng cao chất lượng và hiệu quả của các công trình NCKH; khơi dậy năng lực NCKH của cán bộ, đảng viên. Theo thống kê, từ năm 2015 đến tháng 3/2020, Trường Đại học Đà Lạt chủ trì thực hiện tổng cộng 250 đề tài và dự án khoa học công nghệ, trong đó có 6 chương trình khoa học công nghệ hợp tác với nước ngoài; 15 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Quốc gia, 29 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh và tương đương, 200 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở…
Chính nhờ đó mà hoạt động NCKH ở Trường Đại học Đà Lạt đã phát triển thành một phong trào rộng khắp trong toàn trường. Sinh viên Trường Đại học Đà Lạt cũng tham gia NCKH sôi nổi, kết quả là liên tục tăng cả số lượng và chất lượng các công trình của sinh viên như đề tài khoa học dự thi, bài đăng nội san, bài hội thảo khoa học và các hoạt động Festival, Olympic - điều đó đã tạo nên sự khác biệt, một môi trường NCKH dành riêng cho sinh viên mà ít trường có được như Trường Đại học Đà Lạt.
Đơn cử như tại Khoa Sinh học, hoạt động NCKH của sinh viên luôn được quan tâm, chú trọng tăng cả về số lượng và chất lượng trong 2 năm trở lại đây. Từ năm 2014 đến nửa đầu năm 2020, sinh viên Khoa Sinh học đã thực hiện 40 đề tài, với tổng số sinh viên tham gia là 160 người. Theo Tiến sĩ Hoàng Thị Bình - Phó Trưởng khoa Sinh học, các đề tài của sinh viên được thực hiện với nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau, nội dung đa dạng, phong phú, dưới sự hướng dẫn của đa số các giảng viên, giáo viên dày dặn kinh nghiệm. Bên cạnh đó, đa số các đề tài đều có tiềm năng để chuyển giao ứng dụng. Công tác đánh giá, nghiệm thu đề tài NCKH của sinh viên được khoa tổ chức nghiêm túc, đúng quy trình.
Theo Tiến sĩ Trịnh Thị Tú Anh, chính những kết quả của đội ngũ khoa học nhà trường là niềm cảm hứng, thúc đẩy quá trình tham gia NCKH của sinh viên. Nhờ đó mà số lượng đề tài cũng như sinh viên tham gia hằng năm tăng lên. Năm 2019, Đại học Đà Lạt có 4/6 đề tài đạt Giải thưởng Sinh viên NCKH cấp Bộ. Năm nay, toàn trường có 21 đề tài được vinh danh; 7 đề tài được chọn tham gia Giải thưởng Sinh viên NCKH cấp Bộ được kỳ vọng sẽ đem lại những kết quả cao.
“Trong năm qua đã có nhiều đề tài được đánh giá cao, như đề tài Xây dựng ứng dụng truy xuất nguồn gốc nông sản dựa trên công nghệ blockchain (tiểu ban CNTT - Viễn thông); đề tài Bước đầu nghiên cứu thành phần hóa học, khảo sát hoạt tính sinh học của loài kinh giới núi (Elsholtzia blanda Benth) tại khu vực Lâm Đồng và ứng dụng tạo sản phẩm xà phòng thiên nhiên (tiểu ban sinh học)… Bản thân sinh viên đã xem NCKH là công việc phục vụ chính bản thân các em trong nhu cầu học tập, ứng dụng kiến thức đã học và sáng tạo. Nhà trường luôn khuyến khích khả năng sáng tạo của sinh viên, đặc biệt đề cao những ý tưởng do sinh viên đề xuất và thực hiện. Dẫu còn nhiều khó khăn nhưng khi bước ra sân chơi lớn hơn, các em sẽ tự tin để khẳng định giá trị của mình. Thực hiện đề án Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp, trong thời gian tới nhà trường cũng sẽ đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp trong sinh viên từ chính những đề tài NCKH mà các bạn đã thực hiện”, Tiến sĩ Trịnh Thị Tú Anh cho biết thêm.
HỒNG THẮM