(LĐ online) - Ngày 14/7, Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng đã tổ chức nghiệm thu nhiệm vụ khoa học "Đánh giá công tác phòng chống thiên tai có nguồn gốc từ khí tượng, thủy văn xảy ra trước năm 2015 và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả của công tác này đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng".
(LĐ online) - Ngày 14/7, Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng đã tổ chức nghiệm thu nhiệm vụ khoa học “Đánh giá công tác phòng chống thiên tai có nguồn gốc từ khí tượng, thủy văn xảy ra trước năm 2015 và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả của công tác này đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”.
Hội đồng nghiệm thu nhiệm vụ khoa học Nghiên cứu giải pháp nâng cao hiệu quả phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 |
Hàng năm, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng xảy ra nhiều loại hình thiên tai gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp, đời sống, môi trường sinh thái như: Áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lớn, lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, nắng nóng, hạn hán, mưa đá, sương muối. Tình hình biến đổi khí hậu ngày càng mạnh mẽ dẫn đến thiên tai có nguồn gốc khí tượng thủy văn ngày càng khắc nghiệt, cực đoan hơn, diễn biến phức tạp, có sự thay đổi lớn về cường độ, tần suất, thời đoạn, thời gian. Vì vậy, việc dự báo xu thế của 4 loại hình thiên tai cơ bản (bão, áp thấp nhiệt đới - mưa lớn - hạn hán - lũ lụt) trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 là việc cần thiết, giúp chính quyền địa phương và Nhân dân chủ động phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai.
Sau 2 năm nghiên cứu, nhóm các chuyên gia ở Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Lâm Đồng do ThS.Trần Xuân Hiền làm chủ nhiệm đã thực hiện được các mục tiêu: Đánh giá được các loại hình thiên tai có nguồn gốc khí tượng, thủy văn và công tác phòng chống trong giai đoạn trước năm 2015; phân cấp cấp độ rủi ro thiên tai cho 7 loại hình thiên tai cơ bản xảy ra trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng (bão, áp thấp nhiệt đới - mưa lớn - hạn hán - lũ lụt - lũ quét - sương mù - sạt lở đất do mưa lớn); dự báo được xu thế của 4 loại hình thiên tai (bão, áp thấp nhiệt đới - mưa lớn - hạn hán - lũ lụt) có nguồn gốc khí tượng, thủy văn có khả năng xuất hiện trên địa bàn tỉnh đến năm 2030; đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh đến năm 2030.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đề tài, các chuyên gia chỉ dừng lại tập trung giải quyết bài toán phân cấp rủi ro thiên tai và tình hình thiệt hại do thiên tai gây ra là chính; chưa đi sâu phân tích kết hợp các yếu tố khác như tình hình ảnh hưởng của thiên tai đến sự phát triển kinh tế, xã hội; mức độ ảnh hưởng của thiên tai đến các hồ đập thủy điện, đời sống con người…
Hội đồng nghiệm thu đã đánh giá cao những kết quả đạt được của đề tài nghiên cứu; đồng thời, thẳng thắn chỉ ra những thiếu sót cần bổ sung cho hoàn thiện để áp dụng vào thực tiễn. Kết quả nghiên cứu sẽ là cơ sở giúp các nhà quản lý xây dựng giải pháp, chiến lược phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả ngăn ngừa, ứng phó các hiểm họa của thiên tai, giảm thiểu mức độ thiệt hại về người và của.
QUỲNH UYỂN