Chế phẩm sinh học - gắn nghiên cứu với ứng dụng

06:08, 28/08/2020

Trong vòng 3 năm vừa qua, Tiến sĩ công nghệ sinh học Nguyễn Minh Hiệp đã cùng với các cộng sự tại Trung tâm Công nghệ bức xạ và Công nghệ sinh học, Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt đã nghiên cứu sản xuất...

Trong vòng 3 năm vừa qua, Tiến sĩ công nghệ sinh học Nguyễn Minh Hiệp đã cùng với các cộng sự tại Trung tâm Công nghệ bức xạ và Công nghệ sinh học, Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt đã nghiên cứu sản xuất, khảo nghiệm thành công các chế phẩm sinh học dạng nano có khả năng kích thích sinh trưởng, tăng đề kháng cho cây trồng, bảo vệ các thành phần dinh dưỡng trong môi trường tự nhiên.  
 
Đối chứng kết quả xử lý bằng biện pháp hóa học và biện pháp sinh học trên cây cà chua Đơn Dương
Đối chứng kết quả xử lý bằng biện pháp hóa học và biện pháp sinh học trên cây cà chua Đơn Dương
 
Tiếp xúc với phóng viên, Tiến sĩ Nguyễn Minh Hiệp nhận định rằng, tỉnh Lâm Đồng có lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu, khả năng tiếp cận kỹ thuật mới của người nông dân để phát triển nông nghiệp hữu cơ, bảo vệ sinh thái bền vững. Bởi vậy, các chế phẩm sinh học dạng nano sử dụng cho cây trồng sinh trưởng an toàn, đảm bảo năng suất và chất lượng, đã và đang trở thành nhu cầu khá lớn đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình canh tác từ quy mô nhỏ và vừa đến quy mô lớn. Nắm bắt xu hướng này, các nhà khoa học của Trung tâm Công nghệ bức xạ và Công nghệ sinh học đã nghiên cứu cho ra đời nhiều chế phẩm sinh học chiết xuất từ các hoạt chất thực vật với giá thành phổ thông trên thị trường. 
 
Theo đó, từ việc chiết xuất nhiều thành phần hoạt chất các loại cây như neem, quế, wasabi… kết hợp cùng với chất phụ gia thuộc tiêu chuẩn GRAS của Hoa Kỳ, Trung tâm Công nghệ bức xạ và Công nghệ sinh học đã sản xuất chế phẩm NBN mang lại hiệu quả cao trong việc phòng ngừa và tiêu diệt tuyến trùng xâm nhập vào bộ rễ của nhiều loại cây trồng. Kết quả sử dụng chế phẩm NBN trên các diện tích đất trồng rau bó xôi, ớt ngọt, hoa lily… ở Đà Lạt và các vùng nông nghiệp phụ cận đạt hiệu lực tiêu diệt từ 80% đến 93% tiêu diệt tuyến trùng gây hại bộ rễ cây trồng, đồng thời xua đuổi hoặc tiêu diệt một số loài côn trùng khác như bọ hà (cylas formicarius); hạn chế phát sinh của nấm bệnh và các loại vi khuẩn gây hại khác… Đặc biệt, chế phẩm NBN không có “tác dụng phụ” phá hủy cấu trúc đất như các phương pháp phòng ngừa tuyến trùng bằng các chất hóa học. Giá thành vào thời điểm tháng 8/2020 đối với chế phẩm NBN là 110.000 đồng/lít. Một lần sử dụng hòa tan 1 lít chế phẩm NBN với 300 lít nước. Qua khảo nghiệm cũng cho thấy, để duy trì lượng tuyến trùng trong đất ở ngưỡng an toàn cho cây trồng trong 2 năm chỉ cần xử lý 4 đợt chế phẩm NBN, mỗi đợt 1 lít. Trong đó, gồm 2 đợt đầu sử dụng trước khi xuống 1 ngày và 5 ngày. 2 đợt sau, mỗi năm sử dụng 1 đợt sau 6 tháng cây trồng sinh trưởng. 
 
Tiếp theo, với chế phẩm sinh học RTO, Trung tâm Công nghệ bức xạ và Công nghệ sinh học đã thử nghiệm kích thích sinh trưởng mạnh mẽ nhiều loại cây trồng trên địa bàn Đà Lạt như cây hoa cúc ở Đa Thiện, khoai lang ở Tà Nung, atisô ở Thái Phiên... “ RTO là một sản phẩm kích thích tạo rễ, mọc mầm, chồi và phát triển mạnh mẽ thân cây trồng. Hiện tại chưa có sản phẩm với công dụng tương tự RTO trên thị trường. Sản phẩm RTO còn giúp cây tăng tỉ lệ ra hoa, đậu quả, khả năng chống chịu với nhiều loại bệnh hại. Đặc biệt, RTO sử dụng phù hợp cho các tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp sạch và bền vững như VietGAP, GlobalGAP, Organic…”,  Tiến sĩ công nghệ sinh học Nguyễn Minh Hiệp công bố.
 
Được biết, RTO là sản phẩm kết hợp giữa công nghệ nano và công nghệ sinh học. Trong đó, bao gồm các hạt nano chứa dịch chiết thực vật A, các hạt nano canxi hữu cơ và hoạt chất chiết xuất toàn phần rong biển. 
 
Với giá thành 100.000 đồng/lít, chế phẩm RTO một lần sử dụng pha loãng với 500 lít nước, phun ướt đẫm toàn bộ thân cây và tán lá. Thời gian phun cách nhau từ giai đoạn xuống giống đến giai đoạn giữa chu kỳ sinh trưởng của từng loài cây trồng.
 
Ngoài ra, các nhà khoa học tại Trung tâm Công nghệ bức xạ và Công nghệ sinh học do Tiến sĩ Nguyễn Minh Hiệp chủ trì nghiên cứu sản xuất các hoạt chất sinh học khác đã chứng minh công dụng trên vùng nông nghiệp Đơn Dương, Đà Lạt, Đức Trọng, Lạc Dương. Đó là các chế phẩm NanoNeem và SHN; OTTO và KE kích thích sinh trưởng mạnh mẽ, phòng trị nấm bệnh trên các loại cây cà chua, đậu cove, rau bó xôi…, giá thành từ 120.000 - 190.000 đồng/lít, mỗi đợt sử dụng pha loãng 1 lít chế phẩm với từ 120 - 250 lít nước để bơm phun từ 3 - 4 đợt trên cây rau, củ, quả từ khi gieo trồng đến gần thời kỳ thu hoạch…
 
Thiết nghĩ, trên đây là những kết quả nghiên cứu khoa học đáng được ghi nhận để đưa vào kế hoạch ứng dụng xây dựng mô hình sản xuất từng loại cây trồng theo hướng hữu cơ, từ đó tổ chức các cuộc hội thảo tổng kết, đánh giá và từng bước chuyển giao nhân rộng trên các vùng nông nghiệp Lâm Đồng. “Có như vậy, người nông dân mới sớm tiếp cận được các chế phẩm nông dược nguồn gốc sinh học với giá thành thấp, chất lượng đảm bảo; nhà khoa học có thêm khoản kinh phí để chủ động tái đầu tư tiếp tục nghiên cứu cho ra đời các chế phẩm mới, giúp nông sản của tỉnh Lâm Đồng ngày càng tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế” như lời tâm huyết của Tiến sĩ Nguyễn Minh Hiệp, thế hệ 8X của Trung tâm Công nghệ bức xạ và Công nghệ sinh học, Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt nêu trên.
 
VĂN VIỆT