Các nhà khảo cổ học Trung Quốc công bố phát hiện một địa điểm thờ cúng cung đình rộng tới 10.000 m2 ở khu tự trị Nội Mông.
Các nhà khảo cổ học Trung Quốc công bố phát hiện một địa điểm thờ cúng cung đình rộng tới 10.000 m2 ở khu tự trị Nội Mông.
Đền thờ hình tròn nằm chính giữa khu phức hợp. |
Khu phức hợp có niên đại từ thời Bắc Ngụy (386-534) được tìm thấy trên một đồng cỏ ở phía bắc thành phố Hohhot, thủ phủ của khu tự trị Nội Mông. Tài liệu lịch sử cho thấy địa điểm này từng được Hiếu Văn Đế - hoàng đế thứ bảy của triều đại Bắc Ngụy trong lịch sử Trung Quốc - ghé thăm để làm lễ cúng Trời vào năm 494 trước khi ông dời đô.
"Đây là lần đầu tiên Trung Quốc khai quật một địa điểm thờ cúng thuộc triều Bắc Ngụy. Chúng tôi còn tìm thấy một cung điện hoàng gia - phục vụ những kỳ nghỉ ngắn hạn của hoàng đế - cách không xa đền thờ về phía tây bắc", Zhang Wenping, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Di tích Văn hóa và Khảo cổ học Nội Mông, hôm 29/10 cho biết trong một tuyên bố.
Các nhà khảo cổ khai quật đền thờ trung tâm. |
Khu phức hợp được khai quật chính thức từ năm 2019. Đến nay, các nhà khảo cổ đã tìm thấy tàn tích của một căn phòng lớn hình tròn, có đường kính trong khoảng 15,5m và đường kính ngoài lên tới 32,5m. Căn phòng nằm chính giữa khu phức hợp, được cho là nơi thờ cúng của hoàng đế.
Zhang lưu ý rằng đền thờ trung tâm có ba bệ thờ còn lâu đời hơn cả Đền Trời của nhà Minh và nhà Thanh ở Bắc Kinh. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng tìm thấy một số lượng nhỏ bình gốm dùng để cúng tế.
Khám phá mới có ý nghĩa lịch sử quan trọng vì nó cung cấp những thông tin quý giá cho việc nghiên cứu tín ngưỡng thờ Trời và hệ thống nghi lễ của các triều đại Trung Quốc.
"Trong giai đoạn khai quật tiếp theo, chúng tôi muốn xác định bố cục và trạng thái của một số phần cụ thể trong khu phức hợp rộng 10.000m2 này", Zhang cho biết thêm.
(Theo VnExpress)