Mỹ thúc đẩy điều tra độc lập về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2

05:05, 26/05/2021

Theo Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki, Washington sẽ không đi trước tiến trình quốc tế hiện nay và không đưa ra kết luận vào thời điểm này vì không có đủ dữ liệu và thông tin.

Theo Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki, Washington sẽ không đi trước tiến trình quốc tế hiện nay và không đưa ra kết luận vào thời điểm này vì không có đủ dữ liệu và thông tin.
 
Nhóm chuyên gia WHO trong chuyến làm việc tại Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc ngày 2/2
Nhóm chuyên gia WHO trong chuyến làm việc tại Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc ngày 2/2
 
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, ngày 24/5, Nhà Trắng thông báo Mỹ không thể đưa ra kết luận về nguồn gốc của dịch bệnh COVID-19 nếu không tiến hành một cuộc điều tra độc lập và có thêm dữ liệu từ Trung Quốc.
 
Trả lời phóng viên, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết Mỹ đã nhiều lần kêu gọi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ủng hộ một đánh giá dựa trên nghiên cứu của chuyên gia về nguồn gốc của đại dịch COVID-19 mà không bị can thiệp và chính trị hóa, đồng thời cho rằng cần xem xét một loạt các lựa chọn cũng như phải tiến hành một cuộc điều tra độc lập.
 
Theo bà Psaki, Washington sẽ không đi trước tiến trình quốc tế hiện nay và không đưa ra kết luận vào thời điểm này vì không có đủ dữ liệu và thông tin.
 
Phát biểu trên được bà Psaki đưa ra khi trả lời về một báo cáo tình báo do tờ Wall Street Journal tiết lộ mới đây, theo đó 3 nhà nghiên cứu tại Viện Virus học Vũ Hán (WIV) đã bị ốm và phải được chăm sóc tại bệnh viện vào tháng 11/2019.
 
Báo cáo đã đặt ra câu hỏi về nguồn gốc của virus SARS-COV-2. Trước đó, ông Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ, cho rằng căn bệnh này phát triển trong tự nhiên và nên tiếp tục được điều tra theo hướng này.
 
Báo cáo do WHO công bố sau khi cuộc điều  tra tại Vũ Hán cũng đưa ra kết luận rằng virus SARS-COV-2 rất có thể lây truyền từ động vật sang người, đồng thời khẳng định giả thuyết virus bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm là “cực kỳ khó xảy ra.”
 
Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã nêu quan ngại về tính độc lập trong báo cáo của WHO cũng như việc thiếu quyền truy cập vào dữ liệu từ Trung Quốc từ những ngày đầu dịch COVID-19 bùng phát.
 
Về phần mình, ngày 24/5, Trung Quốc đã bác bỏ những thông tin mà nước này khẳng định là "hoàn toàn sai sự thật", cho rằng 3 nhà khoa học ở Vũ Hán đã phải nhập viện ngay trước thời điểm virus SARS-CoV-2 xuất hiện tại thành phố này và lan ra toàn cầu.
 
Cho đến nay, Bắc Kinh vẫn kịch liệt phản đối những giả thuyết cho rằng virus SARS-CoV-2 có "rò rỉ" từ một trong những phòng thí nghiệm của nước này. Trung Quốc đã thông báo về đợt bùng phát các ca mắc bệnh viêm phổi ở Vũ Hán cho WHO vào ngày 31/12/2019. 
 
Theo hãng tin AFP của Pháp, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) khẳng định những báo cáo trên là "hoàn toàn không đúng sự thật."
 
Virus SARS-CoV-2 chưa từng xuất hiện trước thời điểm ngày 30/12/2019 và cho đến nay Vũ Hán chưa ghi nhận ca nhiễm nào trong các nhà khoa học cũng như sinh viên mới tốt nghiệp.
 
Tháng 3 vừa qua, sau 4 tuần làm việc tại Vũ Hán, một nghiên cứu chung của WHO và các chuyên gia Trung Quốc đều cho rằng sự giải thích virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm là "cực kỳ khó xảy ra."
 
Các chuyên gia đều ủng hộ giả thuyết chung được các bên chấp nhận là sự lây truyền tự nhiên của virus từ động vật - có thể là dơi - sang người, qua một động vật khác mà vẫn chưa được xác định.
 
(Theo Vietnam+)