New Zealand trở thành bên ký kết thứ 11 của Hiệp định Artemis, một kế hoạch chi tiết cho hợp tác vũ trụ và qua đó sẽ hỗ trợ các kế hoạch của NASA để đưa con người trở lại Mặt Trăng.
New Zealand trở thành bên ký kết thứ 11 của Hiệp định Artemis, một kế hoạch chi tiết cho hợp tác vũ trụ và qua đó sẽ hỗ trợ các kế hoạch của NASA để đưa con người trở lại Mặt Trăng.
|
Ảnh minh họa |
Tại châu Đại Dương, New Zealand ngày 1/6 thông báo đã ký thỏa thuận hợp tác vũ trụ với Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), tạo nền tảng phát triển cho ngành công nghiệp vũ trụ non trẻ của nước này.
New Zealand trở thành bên ký kết thứ 11 của Hiệp định Artemis, một kế hoạch chi tiết cho hợp tác vũ trụ và qua đó sẽ hỗ trợ các kế hoạch của NASA để đưa con người trở lại Mặt Trăng vào năm 2024 và thực hiện sứ mệnh lịch sử lên sao Hỏa.
Ngoại trưởng New Zealand Nanaia Mahuta cho biết, là một trong số ít các quốc gia có thể phóng tên lửa vào không gian, New Zealand cam kết đảm bảo giai đoạn tiếp theo của chuyến thám hiểm không gian được tiến hành một cách an toàn, bền vững, minh bạch và tuân thủ đầy đủ luật pháp quốc tế.
New Zealand đặc biệt quan tâm đến việc đảm bảo các khoáng chất lấy từ Mặt Trăng hoặc các nơi khác trong không gian được sử dụng bền vững.
Cùng ngày, Chính phủ New Zealand cho biết đã đạt được thỏa thuận với người Maori bản địa để mua đất ở vùng Canterbury nhằm xây dựng một bãi phóng vũ trụ.
Về phía NASA, Giám đốc NASA Bill Nelson cho biết New Zealand là một trong 7 quốc gia đã giúp xây dựng các nguyên tắc trong hiệp định Artemis.
Trong bối cảnh ngày càng có nhiều quốc gia hiện diện trong vũ trụ thông qua các trạm nghiên cứu, vệ tinh hoặc thậm chí là phóng tên lửa, hiệp định trên đã thiết lập một loạt nguyên tắc để tạo ra một môi trường an toàn và minh bạch, thúc đẩy các hoạt động khám phá, khoa học và thương mại.
Công ty Rocket Lab có trụ sở tại California, chuyên phóng các vệ tinh nhỏ lên quỹ đạo, đã làm nên lịch sử ở New Zealand cách đây 4 năm khi phóng một tên lửa thử nghiệm vào không gian từ bán đảo Mahia.
Nhà sáng lập công ty này Peter Beck đánh giá việc ký kết hiệp định Artemis là minh chứng cho vai trò ngày càng tăng của nước này trong ngành công nghiệp vũ trụ và mở ra cánh cửa cho các cơ hội hợp tác và sứ mệnh với NASA.
Các ước tính cho thấy ngành công nghiệp vũ trụ New Zealand trị giá 1,7 tỷ New Zealand dollars (NZD) (1,4 tỷ USD) và mang lại cho nước này khoảng 250 triệu NZD (200 triệu USD) mỗi năm. Ngoài New Zealand, các quốc gia khác ký hiệp định Artemis gồm Mỹ, Australia, Anh, Canada, Nhật Bản, Luxembourg, Hàn Quốc, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Ukraine, trong khi Brazil cho biết đang có kế hoạch ký hiệp định này.
(Theo TTXVN)