Liên hợp quốc: Hạn hán đang trên đà trở thành đại dịch tiếp theo

06:06, 20/06/2021

Theo Báo cáo Đặc biệt của Liên hợp quốc về Hạn hán năm 2021, với sự tác động của biến đổi khí hậu, thực hành quản lý nước kém và mật độ dân số ngày càng tăng, con người đang sắp phải đối mặt với một "đại dịch" hạn hán thảm khốc mà không có vaccine cứu chữa.

Theo Báo cáo Đặc biệt của Liên hợp quốc về Hạn hán năm 2021, với sự tác động của biến đổi khí hậu, thực hành quản lý nước kém và mật độ dân số ngày càng tăng, con người đang sắp phải đối mặt với một “đại dịch” hạn hán thảm khốc mà không có vaccine cứu chữa.
 
Liên hợp quốc cảnh báo: Hạn hán đang trên đà trở thành đại dịch tiếp theo. Ảnh: Unsplash.
Liên hợp quốc cảnh báo: Hạn hán đang trên đà trở thành đại dịch tiếp theo. Ảnh: Unsplash.
 
Báo cáo Đặc biệt của Liên hợp quốc về Hạn hán năm 2021 nêu chi tiết những rủi ro mà chúng ta phải đối mặt trong những năm tới do lượng mưa giảm, đồng thời tìm ra những nguyên nhân dẫn đến hạn hán và đưa ra nhiều biện pháp phải thực hiện để đối phó với tình trạng thiếu nước.
 
Một thực tế nghiệt ngã là sự nóng lên toàn cầu đang phân phối lại nguồn nước của chúng ta, nhiều người trên thế giới buộc phải đối phó với thực tế này.
 
Các tác giả viết trong báo cáo: "Với sự biến đổi khí hậu do con người gây ra, tần suất và mức độ nghiêm trọng của hạn hán đã tăng lên ở một số khu vực thường vốn đã khan hiếm nước trên toàn cầu".
 
"Khi thế giới đang tiến tới một thực tế dường như không thể tránh khỏi là nhiệt độ trung bình toàn cầu nóng hơn 2°C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp, các tác động hạn hán đang gia tăng và được dự đoán là sẽ tồi tệ hơn ở nhiều khu vực”, báo cáo cho biết.
 
Ít nhất 1,5 tỷ người trên thế giới đã bị ảnh hưởng bởi hạn hán trong hai thập kỷ qua, gây thiệt hại cho các nền kinh tế hơn 124 tỷ USD.
 
Các thùng chứa nước lộ ra khi nước của hồ Sun Moon ở Nam Đầu, Đài Loan, Trung Quốc rút ​​đi trong đợt hạn hán trên diện rộng. Ảnh: Reuters.
Các thùng chứa nước lộ ra khi nước của hồ Sun Moon ở Nam Đầu, Đài Loan, Trung Quốc rút ​​đi trong đợt hạn hán trên diện rộng. Ảnh: Reuters.
 
Bà Mami Mizutori, đại diện đặc biệt của Tổng thư ký Liên hợp quốc về giảm thiểu rủi ro thiên tai, cho biết: “Hạn hán đang trên đà trở thành đại dịch tiếp theo và không có vaccine để chữa khỏi. Hầu hết thế giới sẽ phải sống chung với tình trạng căng thẳng về nước trong vài năm tới. Nhu cầu về nước sẽ vượt cung trong một số thời kỳ nhất định. Hạn hán là một yếu tố chính dẫn đến suy thoái đất và giảm năng suất của các loại cây trồng chính”.
 
Bà cho biết, nhiều người đã hình dung về hạn hán ảnh hưởng đến các vùng sa mạc ở châu Phi, nhưng đó không phải là tất cả. Theo báo cáo, hạn hán hiện đang diễn ra phổ biến và vào cuối thế kỷ này, gần như tất cả các quốc gia sẽ phải hứng chịu hạn hán dưới một số hình thức.
 
Bà Mizutori nói: “Con người đã sống chung với hạn hán trong 5.000 năm, nhưng những gì chúng ta đang thấy bây giờ rất khác. Các hoạt động của con người đang làm trầm trọng thêm tình trạng hạn hán và gia tăng tác động, có nguy cơ làm chệch hướng tiến bộ trong việc đưa con người thoát khỏi đói nghèo”.
 
Mỹ, Australia và Nam Âu đã trải qua hạn hán trong những năm gần đây. Hạn hán gây thiệt hại hơn 6 tỷ USD một năm ở Mỹ và khoảng 9 tỷ euro (khoảng 10 tỷ USD) ở EU do tác động trực tiếp, nhưng đây cũng có thể là những đánh giá chưa đầy đủ.
 
Báo cáo cho biết, sự gia tăng dân số cũng khiến nhiều người ở nhiều khu vực phải chịu tác động của hạn hán.
 
Theo ông Roger Pulwarty, một nhà khoa học cấp cao tại Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ, đồng tác giả của báo cáo, hạn hán còn vượt ra ngoài lĩnh vực nông nghiệp.
 
Lấy thí dụ về sông Danube ở châu Âu, nơi hạn hán tái diễn trong những năm gần đây đã ảnh hưởng đến giao thông, du lịch, công nghiệp và sản xuất năng lượng, ông cho rằng: “Chúng ta cần có một cái nhìn hiện đại về hạn hán. Cần xem xét cách quản lý các nguồn tài nguyên như sông và các lưu vực lớn”.
 
Thay đổi mô hình mưa do tác động của khí hậu là nguyên nhân chính dẫn đến hạn hán, nhưng báo cáo cũng xác định việc sử dụng tài nguyên nước kém hiệu quả và suy thoái đất do thâm canh và canh tác kém trong nông nghiệp cũng đóng vai trò gia tăng hạn hán. Phá rừng, lạm dụng phân bón và thuốc trừ sâu, chăn thả quá mức và khai thác quá mức nước cho canh tác cũng là những vấn đề lớn.
 
Bà Mizutori kêu gọi các chính phủ hành động để giúp ngăn chặn hạn hán bằng cách cải cách và điều chỉnh cách khai thác, lưu trữ và sử dụng nước cũng như cách quản lý đất đai. Bà cho biết, các hệ thống cảnh báo sớm có thể giúp ích nhiều cho những người gặp nguy hiểm và các kỹ thuật dự báo thời tiết tiên tiến hiện cũng đã có sẵn.
 
Theo bà, cần làm việc với người dân địa phương, vì kiến ​​thức địa phương và bản địa có thể giúp thông báo vị trí và cách tích trữ nước cũng như dự đoán tác động của thời kỳ khô hạn.
 
Báo cáo đặc biệt về hạn hán năm 2021 được công bố hôm 17-6 và sẽ được đưa vào các cuộc thảo luận trong Hội nghị thượng đỉnh quan trọng về khí hậu COP26 của Liên hợp quốc, dự kiến ​​diễn ra tại Glasgow, Scotland vào tháng 11 tới.
 
(Theo nhandan.com.vn)