Triển lãm hàng không – vũ trụ quốc tế MAKS-2021 là sân chơi lớn phản ánh đường hướng phát triển của ngành hàng không – vũ trụ thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực máy bay không người lái (UAV).
Triển lãm hàng không – vũ trụ quốc tế MAKS-2021 là sân chơi lớn phản ánh đường hướng phát triển của ngành hàng không – vũ trụ thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực máy bay không người lái (UAV).
Máy bay không người lái, |
Với sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp chuyên phát triển và chế tạo các sản phẩm hàng không vũ trụ, Triển lãm hàng không – vũ trụ quốc tế MAKS-2021 đang diễn ra ở Zhukovsky, ngoại ô Moskva, là sân chơi lớn phản ánh đường hướng phát triển của ngành hàng không – vũ trụ thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực máy bay không người lái (UAV).
Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, tại MAKS-2021, ZALA Aero - một trong những doanh nghiệp khá nổi tiếng chuyên về UAV giám sát cỡ nhỏ thuộc tập đoàn nhà nước khổng lồ Rostec của Nga, đã giới thiệu UAV đầu tiên của nước này sử dụng động cơ hybrid lai xăng-điện.
Hệ thống UAV ZALA 421-16Е5G này được phát triển nhằm giám sát các tuyến dài, như hệ thống đường ống dẫn dầu khí, và có thể hoạt động trên không tới 12 tiếng, tầm hoạt động hơn 1.200 km, thực hiện giám sát từ xa hơn 100 km.
UAV được trang bị 2 máy ảnh nhiệt, một máy quay video độ phóng đại 60x ở định dạng HD, nhờ đó trạm mặt đất có thể nhận được hình ảnh trực tiếp rất chi tiết.
Ngoài ra, ZALA Aero cũng giới thiệu dòng UAV mới ZALA VTOL có thể thay cánh để đáp ứng các nhiệm vụ đặt ra. Động cơ điện cho phép UAV bay trên không trong tối đa 4 giờ với tầm hoạt động 200km. Máy tính ZX1 tích hợp trên máy bay cho phép xử lý dữ liệu ở chế độ Full HD, cũng như truyền video và ảnh HD qua các kênh giao tiếp được mã hóa tới trạm điều khiển mặt đất.
Các hệ thống UAV cỡ nhỏ của ZALA Aero rất tiện lợi và có chi phí hợp lý nhờ gọn nhẹ, hệ thống phóng máy bay có thể hoạt động ở bất cứ địa hình nào, đồng thời UAV còn thu hồi bằng dù nên không cần tới sân bay để hoạt động.
Cũng tại sự kiện này, công ty chế tạo máy bay không người lái Enix ở Tatarstan đã cho ra mắt hàng loạt mẫu UAV cỡ nhỏ như Eleron-5, Eleron-7, T16.
Một sản phẩm UAV rất đáng chú ý tại MAKS-2021 là chiếc UAV Orion-E do công ty Kronstadt chế tạo. Orion-E không phải là mẫu UAV mới, song lần này được bổ sung khả năng tấn công ngoài tính năng trinh sát. Máy bay có thể mang được 200kg vũ khí, tương đương với 4 quả tên lửa 50kg hoặc 2 tên lửa 100kg hoặc có thể thay bằng bom.
Trọng lượng cất cánh tối đa của máy bay là 1150 kg, tốc độ bay 200 km/h, độ cao bay tối đa 7km. UAV này dự kiến sẽ là đối thủ của UAV Bayraktar TB2 do Thổ Nhĩ Kỳ chế tạo.
Phòng thiết kế MiG mang đến triển lãm một mô hình UAV thử nghiệm đầy tiềm năng, được chế tạo theo thiết kế khí động học "cánh bay."
Mẫu UAV một động cơ này gợi nhớ đến mẫu UAV S-70 Okhotnik do Phòng thiết kế Sukhoi phát triển. MiG cho biết UAV này có thể hoạt động song song với máy bay có người lái, thực hiện các chức năng của một máy bay giúp việc.
Trước đó tin cho biết chiếc S-70 "Okhotnik" do Phòng thiết kế Sukhoi phát triển đã bay thử và dự kiến sẽ giao hàng vào năm 2024. UAV này dài 14m, sải cánh 19m, trọng lượng cất cánh 20 tấn, đạt tốc độ bay cận âm và sử dụng vật liệu tàng hình.
Về phần mình, Tổng Công ty “Trực thăng Nga” lần đầu tiên trình làng tại triển lãm trực thăng UAV BAS-200. UAV này có trọng lượng cất cánh tối đa là 200 kg và thời gian bay là 4 giờ, có thể sử dụng để vận chuyển hàng hóa nặng 50 kg, cũng như đảm nhiệm chức năng giám sát. Thiết bị này có thể do người vận hành điều khiển hoặc bay ở chế độ tự động.
Công ty Almaz-Antey, chuyên chế tạo radar và tên lửa phòng không, lại mang đến triển lãm dòng UAV diệt thiết bị không người lái cỡ nhỏ "Volk-18" cũng như hệ thống radar-quang học áp chế “ROSC-1” nhằm đảm bảo an toàn cho các cơ sở và vô hiệu hóa các phương tiện bay không người lái.
Trong khi đó, Nhà máy sửa chữa máy bay 558 nổi tiếng của Belarus giới thiệu qua video các mẫu UAV – Kamikaze tấn công cảm tử.
(Theo Vietnam+)