Các nhà khoa học được đề cử cho giải thưởng năm nay có những khám phá khoa học xuất sắc trong các lĩnh vực tri thức đa dạng nhằm tạo ra tương lai bền vững.
Các nhà khoa học được đề cử cho giải thưởng năm nay có những khám phá khoa học xuất sắc trong các lĩnh vực tri thức đa dạng nhằm tạo ra tương lai bền vững.
Ảnh minh họa |
Đối tác chính sách của APEC về khoa học, công nghệ và đổi mới ngày 4/8 cho biết 13 nhà khoa học trẻ của 21 nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) đã được đề cử cho Giải thưởng Khoa học APEC về đổi mới, nghiên cứu và giáo dục năm nay hay còn gọi là ASPIRE.
New Zealand - nước chủ nhà APEC 2021, đã lựa chọn chủ đề của ASPIRE năm nay là "Tri thức đa dạng cho tương lai bền vững."
Theo ông Daniel Dufour, Chủ tịch đối tác chính sách APEC về khoa học, công nghệ và đổi mới, người chịu trách nhiệm về ASPIRE hằng năm, các nhà khoa học được đề cử cho giải thưởng năm nay có những khám phá khoa học xuất sắc trong các lĩnh vực tri thức đa dạng nhằm tạo ra tương lai bền vững.
Họ cũng tích cực tham gia hợp tác quốc tế với các nhà khoa học đồng cấp trong khu vực để thúc đẩy và cải thiện các nghiên cứu của họ.
Người dành giải thưởng sẽ được công bố tại buổi lễ trực tuyến trong khuôn khổ một loạt các cuộc họp cấp cao do New Zealand tổ chức vào tháng Tám.
Ngoài giải thưởng danh dự, người được vinh danh sẽ nhận được khoản tiền thưởng 25.000 USD do Wiley và Elsevier, hai nhà xuất bản kiến thức khoa học mang tính học thuật hàng đầu thế giới, trao tặng.
Các đề tài nghiên cứu của các nhà khoa học trẻ nhận đề cử năm nay bao gồm các nghiên cứu liên quan đến việc liên kết hệ thống sản xuất lương thực bền vững với dinh dưỡng và sức khỏe con người; tận dụng trái cây bản địa ở Indonesia để điều trị bệnh thương hàn và kháng kháng sinh; và nỗ lực xây dựng lại bộ sưu tập dữ liệu bản địa để thống kê dân số, dữ liệu y tế và kinh tế.
Kể từ khi thành lập vào năm 2011, ASPIRE đã công nhận cống hiến to lớn của các nhà khoa học trẻ trong các nghiên cứu về phòng thí nghiệm tự nhiên, an ninh lương thực, phát triển bền vững đại dương, đa dạng sinh học, củng cố mạng lưới khoa học và công nghệ quốc tế và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
(Theo TTXVN)