Các nhà khoa học phát hiện rằng protein N sẽ giúp kích hoạt hệ miễn dịch mạnh và nhanh hơn so với khả năng kích hoạt của protein S vốn nằm trên bề mặt của virus SARS-CoV-2.
Các nhà khoa học phát hiện rằng protein N sẽ giúp kích hoạt hệ miễn dịch mạnh và nhanh hơn so với khả năng kích hoạt của protein S vốn nằm trên bề mặt của virus SARS-CoV-2.
|
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Los Angeles, California, Mỹ |
Theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí Cell Reports số ra ngày 19/8, các nhà khoa học thuộc Hệ thống y tế Northwestern (Mỹ) đang phát triển một phiên bản mới, cải tiến và đầy triển vọng của vaccine ngừa COVID-19.
Cụ thể, các nhà khoa học đã tiêm vào chuột một trong những loại vaccine ngừa COVID-19 đang được sử dụng hiện nay được bào chế từ protein gai (protein S) của virus SARS-CoV-2 và bổ sung vào vaccine này một kháng nguyên khác là protein nucleocapsid (protein N) của virus.
Vài tuần sau đó, các nhà khoa học cho chuột đã tiêm chủng này, phơi nhiễm virus SARS-CoV-2 qua đường mũi. Ba ngày sau, các nhà khoa học đo lượng virus trong hệ hô hấp hay hệ thần kinh của chuột để phát hiện trường hợp mắc COVID-19 dù đã tiêm đủ vaccine (ca nhiễm đột phá).
Các nhà khoa học phát hiện rằng protein N - một protein của virus SARS-CoV-2 có liên quan tới bộ gene RNA bên trong, sẽ giúp kích hoạt hệ miễn dịch mạnh và nhanh hơn so với khả năng kích hoạt của protein S vốn nằm trên bề mặt của virus SARS-CoV-2.
Theo Phó giáo sư về virus học và miễn dịch học của Khoa Y Feinberg thuộc Đại học Northwestern (NU), Pablo Penaloza-MacMaster, protein N nằm bên trong virus SARS-CoV-2 là một trong những protein có khả năng phát triển nhanh nhất trong số các protein của virus, khiến protein này là mục tiêu “hoàn hảo” để các tế bào T trong hệ miễn dịch, sớm phát hiện. Ông tin rằng phương pháp này có thể mang lại hiệu quả trong ngăn chặn các ca nhiễm đột phá ở chuột.
Ngoài ra, theo các nhà khoa học, một lợi thế khác của việc kết hợp protein N vào các vaccine ngừa COVID-19 thế hệ mới là protein này cho kết quả tương đồng đối với các biến thể của virus SARS-CoV-2 và thậm chí là trong các virus corona khác.
Hiện các nhà khoa học vẫn thu thập dữ liệu nhằm xác định liệu những ca nhiễm đột phá có phát triển các triệu chứng của bệnh thần kinh lâu dài hay không. Bởi trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã phát hiện ra bằng chứng nhiễm virus trong não của chuột từng được chủng ngừa bằng vaccine được bào chế từ protein S đang sử dụng hiện nay.
Phó giáo sư Penaloza-MacMaster bày tỏ hy vọng rằng một vaccine tổng hợp mới có thể ngăn chặn tốt hơn sự phát triển của các triệu chứng thần kinh ở não bộ nếu xảy ra một ca nhiễm đột phá.
Hệ thống y tế Northwestern là một hệ thống hợp tác với tổ chức y tế phi lợi nhuận Northwestern Memorial HealthCare và Khoa y Feinberg của Đại học Northwestern. Hệ thống này bao gồm cả các hoạt động nghiên cứu, giảng dạy và chăm sóc bệnh nhân.
(Theo Vietnam+)