Sở Khoa học và Công nghệ vừa nghiệm thu đề tài nghiên cứu "Khảo nghiệm một số giống cây ăn quả ôn đới đặc sản (đào, mận) có nguồn gốc nhập nội tại Đà Lạt, Lạc Dương"...
Sở Khoa học và Công nghệ vừa nghiệm thu đề tài nghiên cứu “Khảo nghiệm một số giống cây ăn quả ôn đới đặc sản (đào, mận) có nguồn gốc nhập nội tại Đà Lạt, Lạc Dương” do nhóm các nhà khoa học Viện Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn) thực hiện và TS. Lại Tiến Dũng làm chủ nhiệm.
Cây đào, mận đã được trồng tại Đà Lạt từ những năm 1898 cuối thế kỷ 19 ở Trại Hầm (Phường 10), Trạm Hành và rải rác trong thành phố Đà Lạt, huyện Lạc Dương. Trước năm 1975, các giống đào và mận của Đà Lạt chủ yếu có nguồn gốc từ Ai Lao, Vạn Tượng, Vân Nam (Trung Quốc). Khoảng năm 1995, một số nông dân đã di thực giống mận Tam Hoa từ miền Bắc vào trồng thử nghiệm thành công tại Đà Lạt và phát triển tự phát cho đến nay.
Sau 4 năm nghiên cứu khảo nghiệm, nhóm các nhà khoa học đã tiến hành xây dựng được 3 mô hình trình diễn tại Đà Lạt và Lạc Dương gồm: mô hình ghép cải tạo các giống đào, mận; mô hình vườn ươm quy mô nông hộ; mô hình trồng mới các giống đào, mận tuyển chọn. Trong đó, đã cung cấp 1.000 cây giống xuất vườn phục vụ mở rộng diện tích. Tại các mô hình, các cây giống đào, mận đều sinh trưởng và phát triển tốt, chất lượng trái cây được bà con nông dân đánh giá cao.
Quá trình khảo nghiệm đã tổ chức 2 lớp đào tạo, tập huấn kỹ thuật cho 100 lượt cán bộ kỹ thuật và bà con nông dân về kỹ thuật, trồng và chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại, ghép cải tạo các giống đào, mận tuyển chọn tại xã Đạ Sar (Lạc Dương). Tổ chức nhiều buổi hội thảo đầu bờ tại xã Trạm Hành (Đà Lạt) về giống, kỹ thuật canh tác, phương pháp và kỹ thuật ghép cải tạo nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, chất lượng, mẫu mã sản phẩm đối với giống đào, mận được tuyển chọn; xây dựng 2 quy trình kỹ thuật canh tác giống đào, mận tại thành phố Đà Lạt và huyện Lạc Dương.
Kết quả nghiên cứu đã phục tráng lại giống mận, đào vốn thích ứng và bám rễ từ lâu đời tại Đà Lạt, từ đó ứng dụng nhân rộng canh tác tạo nên những vườn đào, mận và các loại cây ăn quả ôn đới sum suê trĩu cành để phục vụ du khách khi đến với Đà Lạt - Lâm Đồng.
QUỲNH UYỂN