Nghiên cứu mới đã làm sáng tỏ chủ đề tranh luận về giới hạn tuổi thọ của con người bằng cách phân tích dữ liệu về những người "siêu thọ" từ 110 tuổi trở lên và những người từ 105 đến dưới 110 tuổi.
Nghiên cứu mới đã làm sáng tỏ chủ đề tranh luận về giới hạn tuổi thọ của con người bằng cách phân tích dữ liệu về những người "siêu thọ" từ 110 tuổi trở lên và những người từ 105 đến dưới 110 tuổi.
Cụ Kane Tanaka, 118 tuổi, là người cao tuổi nhất hiện nay trên thế giới. |
Theo nghiên cứu mới đăng tải trên tạp chí Royal Society Open Science, con người có thể sống đến ít nhất 130 tuổi và có thể lâu hơn nữa, cho dù cơ hội để đạt được tuổi thọ như vậy chiếm tỷ lệ rất nhỏ.
Từ lâu, giới hạn tuổi thọ của con người đã trở thành chủ đề tranh luận sôi nổi. Nhiều nghiên cứu gần đây đưa ra giả thuyết rằng chúng ta có thể sống tới 150 tuổi hoặc không có tuổi lý thuyết tối đa cho con người.
Nghiên cứu mới đã làm sáng tỏ chủ đề tranh luận trên bằng cách phân tích dữ liệu về những người "siêu thọ" từ 110 tuổi trở lên và những người từ 105 đến dưới 110 tuổi.
Trong khi nguy cơ tử vong thường tăng lên khi con người về già nhưng nghiên cứu trên lại chỉ ra rằng nguy cơ này tương đối ổn định ở mức khoảng 50-50.
Theo nghiên cứu, dựa trên các dữ liệu có sẵn cho đến nay, dường như con người có thể sống tới ít nhất 130 tuổi. Tuy nhiên, nếu suy rộng ra từ các phát hiện mới, nhiều khả năng "không có giới hạn cụ thể nào về tuổi thọ của con người."
Các kết luận này phù hợp với các phân tích mang tính thống kê được thực hiện dựa trên các tập hợp dữ liệu của những người "siêu cao tuổi."
Tập hợp dữ liệu đầu tiên mà nhóm nghiên cứu thu thập được là tài liệu mới nhất của Cơ sở dữ liệu quốc tế về tuổi thọ, trong đó có hơn 1.100 người "siêu thọ" tại 13 quốc gia. Tập hợp dữ liệu thứ hai liên quan tới người cao tuổi tại riêng Italy có tuổi thọ tối thiểu 105 tuổi trong giai đoạn từ tháng 1/2009-12/2015.
Giáo sư Anthony Davison tại Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ ở Lausanne (EPFL), Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết ông và các cộng sự đã sử dụng phương pháp ngoại suy để phân tích các dữ liệu hiện có.
Ông nhấn mạnh bất kỳ nghiên cứu nào về tuổi thọ tối đa, dù là thống kê hay sinh học, đều liên quan đến phương pháp ngoại suy. Do vậy, đây là cách tiếp cận hợp lý.
Giáo sư Davison cho biết thêm khi bắt đầu phân tích, nhóm nghiên cứu đã dựa trên những người có tuổi thọ tương đối hiếm trên 100 tuổi. Và ngay cả những người ở tuổi 110, cơ hội để họ có thể sống thọ tới 130 tuổi chỉ chiếm tỷ lệ 1/1 triệu người. Tuy tỷ lệ rất nhỏ, nhưng điều này không phải là không thể xảy ra.
Ông dự đoán trong thế kỷ này, với nhiều tiến bộ lớn về y tế và xã hội, có thể sẽ có người sống thọ tới 130 tuổi.
Cho đến nay, người cao tuổi nhất trên thế giới là cụ bà Jeanne Calment người Pháp. Cụ qua đời vào năm 1997 ở tuổi 122. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều của giới chuyên gia về độ tuổi chính xác của trường hợp này.
Trong khi đó, người còn sống cao tuổi nhất thế giới hiện nay là cụ bà Kane Tanaka, người Nhật Bản, 118 tuổi.
(Theo TTXVN)