Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Cell, virus gây bệnh COVID-19 không lây nhiễm sang các tế bào não của con người.
Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Cell, virus gây bệnh COVID-19 không lây nhiễm sang các tế bào não của con người.
Một nghiên cứu mới cho thấy virus gây bệnh COVID-19 không tiếp cận với niêm mạc khứu giác |
Theo trang The Guardian (Anh), trong nghiên cứu mới đây, các nhà nghiên cứu Bỉ và Đức khẳng định rằng virus SARS-CoV-2 chỉ lây nhiễm vào các tế bào có chức năng hỗ trợ, chứ không lây nhiễm cho các tế bào thần kinh thụ cảm khứu giác (OSN).
Phát hiện mới này làm dấy lên hy vọng rằng tác động do virus SARS-CoV-2 gây ra có thể ít nghiêm trọng hơn và có thể đảo ngược những lo ngại trước đây. Nghiên cứu này mâu thuẫn với nghiên cứu trước đó cho rằng virus gây bệnh COVID-19 có thể lây nhiễm ở các tế bào thần kinh trong niêm mạc khứu giác.
Niêm mạc khứu giác là nơi virus đi vào cơ thể con người đầu tiên. Bên trong nó là các tế bào thần kinh thụ cảm khứu giác, có chức năng thu nhận các phân tử mùi từ không khí và gửi tín hiệu đến vùng nào để xử lý mùi hương. Chúng được liên kết với nhau bằng một tế bào hỗ trợ.
Peter Mombaerts, người đứng đầu Đơn vị Nghiên cứu Max Planck về Di truyền thần kinh ở Frankfurt, Đức cho biết: “Đó là một sự khác biệt quan trọng”.
Hành khứu giác, nằm trên thùy trán của não, là vùng thần kinh đầu tiên giúp xử lý tín hiệu mùi hương. Nếu virus xâm nhập vào khu vực này, về mặt lý thuyết, nó có thể lây lan đến các vùng não sâu hơn và gây tổn thương lâu dài vì không giống như OSN, hầu hết tế bào thần kinh không được tái tạo sau khi mất đi. Nhưng nếu virus chỉ lây nhiễm vào các tế bào hỗ trợ thì tổn thương có thể ít lâu dài hơn.
Song dù bằng đường nào thì virus đều có thể gây ra tình trạng rối loạn chức năng khứu giác, ước tính ảnh hưởng đến một nửa số bệnh nhân COVID-19. 1/10 trong số bệnh nhân có thể bị mất hoặc ngửi thấy mùi khác thực tế trong thời gian dài, thậm chí là vĩnh viễn.
Laura Van Gerven, nhà giải phẫu thần kinh tại Đại học Công giáo Leuven ở Bỉ và đồng tác giả nghiên cứu, đã loại bỏ mô khỏi niêm mạc khứu giác và hành khứu giác của bệnh nhân COVID-19 trong vòng khoảng một giờ sau khi họ qua đời. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng virus vẫn đang tái tạo ở 30 bệnh nhân COVID-19, những người đã tử vong khi mắc bệnh ở giai đoạn cấp tính, dễ lây lan của bệnh. Tuy nhiên, các nhà khoa học chỉ phát hiện virus trong niêm mạc khứu giác ở 6 trong số 30 bệnh nhân đó.
Debby Van Riel, nhà virus học tại Đại học Erasmus ở Rotterdam, Hà Lan, nhận định: “Nhìn chung, các con số vẫn thực sự rất thấp để đưa ra bất kỳ kết luận chắc chắn nào”.
Stuart Firestein, một nhà sinh vật học thần kinh tại Đại học Columbia ở Thành phố New York, lại có cái nhìn lạc quan hơn, ông cho biết: “Không còn nghi ngờ gì nữa, đây là công việc được thực hiện kỹ lưỡng nhất trên mô khứu giác sau khi qua đời của bệnh nhân COVID-19”.
Nhưng Firestein cho biết kết quả không làm sáng tỏ nhiều điều mới về phương thức gây rối loạn chức năng khứu giác của COVID-19. Ông nói rằng nghiên cứu vẫn không cho thấy rõ tế bào thần kinh thụ cảm khứu giác nào bị ảnh hưởng khi bệnh nhân nhiễm virus.
Dù vậy, nếu kết luận chính xác được đưa ra, những bệnh nhân COVID-19 mất hoặc rối loạn khứu giác có thể yên tâm rằng virus không lây nhiễm vào não của họ và các liệu pháp điều trị trong tương lai nhằm vào các tế bào hỗ trợ có thể làm giảm bớt hoặc chữa khỏi tình trạng của họ.
(Theo baotintuc.vn)