Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên trong liên kết vùng và hội nhập quốc tế

08:12, 06/12/2021

(LĐ online) - Ngày 5/12, Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam đã tổ chức hội nghị tổng kết Chương trình Tây Nguyên 2016-2020: "Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên trong liên kết vùng và hội nhập quốc tế". 

(LĐ online) - Ngày 5/12, Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam đã tổ chức hội nghị tổng kết Chương trình Tây Nguyên 2016-2020: “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên trong liên kết vùng và hội nhập quốc tế”. 
 
TS.Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S đánh giá cao kết quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ của Chương trình Tây Nguyên 2016-2021
TS.Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S đánh giá cao kết quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ của Chương trình Tây Nguyên 2016-2021
 
Hội nghị được kết nối giữa 2 điểm cầu Hà Nội và Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên tại Đà Lạt với sự tham dự của lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo 5 tỉnh Tây Nguyên, đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành và các đơn vị nghiên cứu khoa học trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Giáo sư, Viện sĩ Châu Văn Minh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam đã chủ trì hội nghị. 
 
Từ sau ngày thống nhất đất nước, Đảng và Chính phủ đã chủ trương “Xây dựng Tây Nguyên thành địa bàn vững chắc về an ninh quốc phòng và vùng trọng điểm kinh tế của cả nước”. 45 năm qua, Chính phủ đã triển khai 4 chương trình khoa học công nghệ cấp quốc gia nghiên cứu phục vụ phát triển kinh tế, xã hội vùng Tây Nguyên. Chương trình Tây Nguyên 2016-2020 là chương trình khoa học công nghệ tổng hợp đa ngành lớn nhất từ trước tới nay với 4 mục tiêu lớn đặt ra: Cung cấp luận cứ khoa học về liên kết vùng, ngành và hội nhập kinh tế quốc tế. Ứng dụng có hiệu quả và chuyển giao công nghệ tiên tiến, thích hợp, lựa chọn nhân rộng các mô hình đã thử nghiệm vào sản xuất tạo sản phẩm hàng hóa nông, lâm nghiệp, dịch vụ. Cung cấp giải pháp khoa học công nghệ nâng cao năng lực quản lý của các tỉnh Tây Nguyên về tài nguyên, môi trường, rủi ro thiên tai và quản lý xã hội theo định hướng phát triển bền vững. Đề ra các giải pháp phát huy nguồn nội lực khoa học công nghệ tại Tây Nguyên. 
 
Toàn cảnh hội nghị tổng kết tại điểm cầu Đà Lạt
Toàn cảnh hội nghị tổng kết tại điểm cầu Đà Lạt
 
Qua 5 năm thực hiện, chương trình đã huy động trên 2.600 nhà khoa học thuộc các viện nghiên cứu, trường đại học trong cả nước tham gia; đã triển khai 32 đề tài khoa học nhằm giải quyết các vấn đề thiết thực đặt ra của Tây Nguyên; trong đó, có 13 đề tài thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, 11 đề tài thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ và 8 đề tài thuộc lĩnh vực khoa học xã hội.
 
Tại hội nghị, nhiều tham luận đã làm sáng tỏ thành quả nghiên cứu khoa học công nghệ đạt được sau 5 năm thực hiện Chương trình Tây Nguyên. Có thể kể các tham luận: Giải pháp nâng cao năng lực bảo vệ chăn sóc sức khỏe cộng đồng vùng biên giới Tây Nguyên do tác động của biến động dân số và biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan (GS.TS. Phạm Gia Khánh), Những giá trị di sản hang động núi lửa Krông Nô (Đắk Nông) và chuyển giao mô hình bảo tàng, bảo tồn tại chỗ phục vụ xây dựng công viên địa chất toàn cầu (TS. La Thế Phúc), Giải pháp nâng cao khả năng lưu giữ nước và khai thác hiệu quả tài guyên nước mặt phục vụ phát triển bền vững khu vực Tây Nguyên (GS.TS. Nguyễn Vũ Việt), Phát triển ứng dụng khí công nghệ sinh học tiên tiến phát điện và sử dụng bùn thải sau lên men yếm khí để sản xuất phân bón hữu cơ phát triển nông nghiệp sạch tại Đắk Lắk (PGS.TS. Đỗ Văn Mạnh), Nghiên cứu bảo tồn và phát triển một số loài dược liệu chủ lực, bản địa quý hiếm của Tây Nguyên nhằm tạo ra sản phẩm có giá trị cao (TS. Nguyễn Hữu Toàn Phan), Ứng dụng tổ hợp các giải pháp cải tạo phục hồi hệ sinh thái khu vực bãi thải và khu khai thác khoáng sản nhằm sử dụng hợp lý tài nguyên đất vùng Tây Nguyên (TS. Nguyễn Mạnh Hà), Thực trạng giải quyết tình trạng tranh chấp đất đai bảo đảm phát triển bền vững vùng Tây Nguyên (PGS.TS. Tô Văn Hòa), Ứng dụng và chuyển giao công nghệ phục vụ khai thác, bảo tồn và phát triển một số chế phẩm từ loài nấm Linh chi tại khu vực Tây Nguyên (PGS.TS. Trần Việt Hùng)...
 
Các nhà khoa học và lãnh đạo 5 tỉnh Tây Nguyên chụp hình lưu niệm
Các nhà khoa học và lãnh đạo 5 tỉnh Tây Nguyên chụp hình lưu niệm
 
Phát biểu tại hội nghị, TS. Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã nhấn mạnh: Nói đến Tây Nguyên là nói đến rừng, nói đến phát triển nông nghiệp, phát triển du lịch và nói đến bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo đa sắc màu của cộng đồng các dân tộc anh em. Chương trình Tây Nguyên 2016-2020 đã đi sâu các đề tài nguyên cứu có đóng góp lớn cho sự phát triển Tây Nguyên trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Tây Nguyên có diện tích rừng lớn 26 triệu ha, đa số rừng tự nhiên rất quý, độ che phủ rừng lớn nhất nước. Việc nghiên cứu về phát triển rừng trồng, tài nguyên đất, tài nguyên nước, bảo vệ nguồn nước mặt, đa dạng sinh học, bảo tồn nguồn gen quý, nghiên cứu về các loài cây dược liệu bảo vệ sức khỏe con người, về tranh chấp đất đai giải quyết vấn đề xâm lấn rừng... là rất cần thiết. Với một thời gian 5 năm cho một chương trình rất lớn, các nhà khoa học đã tập trung nghiên cứu các giải pháp công nghệ, kinh tế tạo điều kiện cho phát triển Tây Nguyên trong tình hình mới. Tỉnh Lâm Đồng chúng tôi trân trọng và đánh giá cao những kết quả nghiên cứu đạt được. Đó là tài sản trí tuệ quý giá để Lâm Đồng tiếp cận và rút ngắn được thời gian, giao cho các cơ quan chức năng, tùy vào từng ngành, từng lĩnh vực biến những kết quả nghiên cứu này thành những ứng dụng thực tiễn để Lâm Đồng tiếp cận và phát triển nhanh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. 
 
QUỲNH UYỂN