Phát hiện 3 loài Dẻ đá đặc hữu mới tại Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà

01:12, 07/12/2021

(LĐ online) - Thông tin ngày 7/12 từ Tiến sĩ Nguyễn Văn Ngọc - Trường Đại học Đà Lạt cho biết, các nhà khoa học Trường Đại học Đà Lạt và các trường đại học: Kyushu, Tohoku, Kagoshima của Nhật Bản vừa chính thức công bố 3 loài Dẻ đá đặc hữu mới từ Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà, tỉnh Lâm Đồng.

(LĐ online) - Thông tin ngày 7/12 từ Tiến sĩ Nguyễn Văn Ngọc - Trường Đại học Đà Lạt cho biết, các nhà khoa học Trường Đại học Đà Lạt và các trường đại học: Kyushu, Tohoku, Kagoshima của Nhật Bản vừa chính thức công bố 3 loài Dẻ đá đặc hữu mới từ Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà, tỉnh Lâm Đồng.
 
Lithocarpus congtroiensis Ngoc & Yahara, sp. nov. - Dẻ đá Cổng Trời
Lithocarpus congtroiensis Ngoc & Yahara, sp. nov. - Dẻ đá Cổng Trời
 
Bằng việc kết hợp nghiên cứu các đặc điểm hình thái và các bằng chứng phân tử có được từ việc ứng dụng nền tảng giải trình tự gen thế hệ mới, các nhà khoa học đã phát hiện thêm 3 loài thực vật mới thuộc họ Dẻ (Fagaceae) thuộc chi Dẻ đá, được đặt tên khoa học lần lượt theo các địa danh của Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà, gồm: Lithocarpus bidoupensis Ngoc & Tagane, sp. nov. (Dẻ đá Bidoup), Lithocarpus congtroiensis Ngoc & Yahara, sp. nov. (Dẻ đá Cổng Trời), Lithocarpus hongiaoensis Ngoc & Binh, sp. nov. (Dẻ đá Hòn Giao).
 
Kết quả nghiên cứu này trong khuôn khổ chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học giữa Trường Đại học Đà Lạt và các trường đại học của Nhật Bản từ năm 2015 đến nay. Quá trình thực hiện khảo sát, nghiên cứu đánh giá đa dạng sinh học tại Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà, đến nay, các nhà khoa học đã phát hiện, mô tả hơn 20 loài thực vật mới đặc hữu cho khu vực này, cho thấy mức độ đa dạng sinh học rất cao của khu hệ thực vật tỉnh Lâm Đồng.
 
Dẻ là một trong số họ thực vật có số lượng và thành phần loài rất đa dạng và có vai trò sinh thái đặc biệt quan trọng trong các kiểu rừng nhiệt đới, trong đó tỉnh Lâm Đồng là khu vực có mức độ đa dạng cao nhất Việt Nam (khoảng hơn 90 loài), theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Ngọc và cộng sự. “Trước áp lực mất rừng, nhiều loài đang được đánh giá thuộc các thang có nguy cơ tuyệt chủng cao (theo IUCN Redlist), vì vậy công tác điều tra khảo sát, đánh giá trạng thái bảo tồn cần được đầu tư nghiên cứu để có được chiến lược khai thác bền vững và bảo tồn giá trị đa dạng sinh học của Việt Nam nói chung và Lâm Đồng nói riêng. Theo đó, các nhà khoa học của Trường Đại học Đà Lạt và các trường đại học của Nhật Bản, các tổ chức bảo tồn quốc tế như IUCN (Liên minh quốc tế về bảo tồn thiên nhiên), BGCI (Tổ chức bảo tồn quốc tế các vườn thực vật), GCCO (Hiệp hội bảo tồn Sồi dẻ toàn cầu)… đang thực hiện nhiều chương trình nghiên cứu và dự án bảo tồn các đối tượng thuộc họ Dẻ tại Việt Nam cũng như các nước trong khu vực Đông Nam Á” - Tiến sĩ Ngọc cho biết.
 
Toàn văn công bố được đăng tải trên tạp chí chuyên ngành theo đường link dưới đây: https://doi.org/10.3897/phytokeys.186.69878
 
MINH ĐẠO