Thực hiện nhiệm vụ quốc phòng địa phương trên nền tảng công nghệ thông tin

06:12, 27/12/2021

Tuyên truyền Luật Dự bị động viên, Luật Dân quân tự vệ; quản lý hoạt động thông tin cơ sở, dịch vụ viễn thông; thực hiện Nghị quyết số 29 của Bộ Chính trị về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng...

Tuyên truyền Luật Dự bị động viên, Luật Dân quân tự vệ; quản lý hoạt động thông tin cơ sở, dịch vụ viễn thông; thực hiện Nghị quyết số 29 của Bộ Chính trị về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng... là những nội dung trọng tâm được Sở Thông tin và Truyền thông (TTTT) tập trung thực hiện; qua đó, góp phần thực hiện nhiệm vụ quốc phòng địa phương trên nền tảng công nghệ thông tin.
 
Trang thông tin điện tử Sở Thông tin và Truyền thông thường xuyên đăng tải các bài viết, góp phần tuyên truyền đảm bảo thực hiện nhiệm vụ quốc phòng địa phương.
Trang thông tin điện tử Sở Thông tin và Truyền thông thường xuyên đăng tải các bài viết, góp phần tuyên truyền đảm bảo thực hiện nhiệm vụ quốc phòng địa phương
 
Ghi nhận tại Sở TTTT, công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Lực lượng dự bị động viên đã được đơn vị thực hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương. Trong đó, tận dụng thế mạnh của truyền thông cơ sở để đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến; tổ chức tuyên truyền, phổ biến trong cán bộ, công chức, viên chức; đăng tải toàn văn Luật Lực lượng dự bị động viên, Luật Dân quân tự vệ trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh; chọn lọc đăng tải một số bài viết có tính chất tuyên truyền và các văn bản có liên quan nhằm tăng khả năng tiếp cận đến công chức, viên chức và Nhân dân.
 
Bên cạnh đó, thông qua quản lý hệ thống thông tin cơ sở, Sở TTTT đã phát huy triệt để các thế mạnh của hệ thống này nhằm thực hiện vai trò truyền tải thông tin, kịp thời triển khai tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền cơ sở; phổ biến kiến thức khoa học, kinh tế, văn hóa, xã hội; gương người tốt, việc tốt điển hình tiên tiến; thông tin kịp thời, rộng rãi đến người dân về các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh. 
 
Theo số liệu thống kê của Sở TTTT, toàn tỉnh Lâm Đồng có hơn 1,8 triệu thuê bao điện thoại (cố định và di động) thuộc sở hữu của các nhà mạng lớn là Vinaphone, Viettel, Mobifone và Vietnamobile. Trong thực hiện các nội dung quản lý các dịch vụ viễn thông, Sở TTTT đã quán triệt các doanh nghiệp viễn thông đảm bảo không để các thế lực thù địch lợi dụng mạng viễn thông để truyền tải các thông tin xấu, độc; liên tục cảnh báo các hình thức lợi dụng mạng viễn thông để lừa đảo; từng bước thanh tra, kiểm tra yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện tốt công tác chuẩn hóa thông tin thuê bao; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về quảng cáo, đặc biệt là tín dụng đen có liên quan đến việc sử dụng các số điện thoại để liên lạc. 
 
Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 25/7/2018 của Bộ Chính trị về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng và kết quả, kinh nghiệm trong đấu tranh, ngăn ngừa, phản bác các thông tin xấu, độc trên không gian mạng, ông Huỳnh Minh Hải - Giám đốc Sở TTTT cho biết thêm: Sở đã thành lập Tổ xử lý thông tin mạng để triển khai thực hiện nhiệm vụ trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng. Để theo dõi, phát hiện, xử lý kịp thời các thông tin xấu, độc trên không gian mạng, Tổ xử lý thông tin mạng duy trì hoạt động thường xuyên với sự trợ giúp của công nghệ thông tin. Theo đó, đội ngũ công nghệ thông tin đã khai thác triệt để các tính năng của phần mềm giám sát từ Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng thuộc Cục An toàn thông tin, Bộ TTTT, tùy theo thời điểm sẽ theo sát các thông tin nhất định, khi phát hiện vi phạm sẽ lập tức chuyển đến bộ phận chuyên gia phân tích tính chất, truy tìm nguồn gốc thông tin và chủ sở hữu tài khoản mạng xã hội hoặc trang tin điện tử đã đăng tải, chia sẻ nguồn tin đó. Tổ xử lý hoạt động thường xuyên 24/7, có sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ giữa các thành viên và phối hợp với các cơ quan ngoài đơn vị như các cơ quan thuộc Bộ TTTT, Sở TTTT các tỉnh bạn, Công an tỉnh, Y tế, phòng văn hóa thông tin cấp huyện… trong thực hiện nhiệm vụ. Chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ từ khi phát hiện đến khi tìm và nắm đầy đủ thông tin, chứng cứ, Thanh tra Sở TTTT sẽ cảnh báo đến chủ nguồn tin bằng nhiều hình thức như bình luận trực tiếp vào bài đăng, nhắn tin hoặc gọi điện thoại yêu cầu gỡ bỏ thông tin, sau đó là mời để xử lý vi phạm. Với những đối tượng công khai chống phá, Sở sẽ phối hợp với cơ quan công an theo dõi, củng cố chứng cứ xử lý về mặt hình sự, hoặc báo cáo Bộ TTTT có biện pháp ngăn chặn truy cập người dùng từ Việt Nam đến các nguồn tin này. Ngoài ra, Sở TTTT cũng chủ động ngăn chặn một số thông tin chống phá trong khả năng kỹ thuật cho phép, chủ động đăng các tin, bài phản bác vào thẳng các hội nhóm, fanpage, website của các thế lực thù địch. Bên cạnh đó, Sở TTTT còn chủ động phối hợp với các cơ quan báo, đài, tận dụng thế mạnh của mạng xã hội làm công tác tuyên truyền trong quá trình xử lý vi phạm nhằm tác động mạnh và hiệu quả đến ý thức, hiểu và chấp hành pháp luật trong Nhân dân.
 
Năm 2021, Sở TTTT quản lý hơn 4.000 tên miền, trong đó có 2.573 tên miền.vn, hơn 1.500 tên miền quốc tế. Trong năm Sở đã xử phạt vi phạm hành chính 2 tên miền hoạt động dưới hình thức trang thông tin điện tử tổng hợp không có giấy phép, làm hồ sơ đề nghị Bộ TTTT xử lý 17 tên miền quốc tế vi phạm; phát hiện và xử lý 509 vi phạm; 1 vụ vi phạm về xuất bản phẩm trên mạng với 510 cuốn sách; 13 vụ quảng cáo dự án bất động sản không có quyết định phê duyệt; phát hiện và ngăn chặn 690 tin, bài chống phá, lập hồ sơ chuyển Công an tỉnh xử lý 11 vụ (trong đó đã xử lý hình sự 2 vụ); chủ động đăng tải các tin, bài phản bác vào các hội nhóm, fanpage, website của các thế lực thù địch...
 
NGỌC NGÀ