Tiêm kết hợp vaccine tạo ra lượng kháng thể tốt để chống lại COVID-19

06:12, 08/12/2021

ECDC, EMA nhấn mạnh tiêm kết hợp có thể đưa ra sự linh hoạt trong việc tiêm chủng, đặc biệt là nhằm giảm sự tác động đối với chương trình tiêm chủng trong trường hợp một số loại vaccine không sẵn có.

ECDC, EMA nhấn mạnh tiêm kết hợp có thể đưa ra sự linh hoạt trong việc tiêm chủng, đặc biệt là nhằm giảm sự tác động đối với chương trình tiêm chủng trong trường hợp một số loại vaccine không sẵn có.
 
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 ở Italy
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 ở Italy
 
Ngày 7/12, Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) và Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) khuyến nghị rằng việc tiêm kết hợp các liều vaccine ngừa COVID-19 đã được phê duyệt, có thể thực hiện với các mũi đầu tiên và mũi tăng cường, trong bối cảnh châu lục này đang chứng kiến số ca mắc tăng mạnh.
 
Trong tuyên bố chung, ECDC và EMA cho rằng sự kết hợp giữa vaccine được sản xuất bằng công nghệ vector và vaccine theo công nghệ mRNA tạo ra lượng kháng thể tốt để chống lại virus SARS-CoV-2.
 
Hai cơ quan y tế trên nhấn mạnh cách tiếp cận này có thể đưa ra sự linh hoạt trong việc tiêm chủng, đặc biệt là nhằm giảm sự tác động đối với chương trình tiêm chủng trong trường hợp một số loại vaccine không sẵn có.
 
Khuyến nghị trên được đưa ra một ngày sau khi một công trình nghiên cứu kết luận rằng nên việc tiêm mũi tăng cường bằng vaccine của Moderna 9 tháng sau khi hoàn thành liều đầu tiên bằng vaccine của hãng AstraZeneca hoặc hãng Pfizer/BioNTech sẽ tạo ra phản ứng miễn dịch tốt hơn.
 
ECDC và EMA cũng cho rằng cần tiến hành thêm nghiên cứu để làm rõ mức độ hiệu quả của việc tiêm kết hợp vaccine đối với những người có hệ miễn dịch kém, như người cao tuổi hoặc những người có bệnh lý nền và những người đã tiêm đủ liều vaccine theo công nghệ mRNA.
 
Những khuyến nghị của ECDC và EMA nhằm giúp các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đưa ra quyết sách trong chương trình tiêm chủng và cần được EU thông qua. Mỹ đã "bật đèn xanh" cho việc tiêm kết hợp vaccine trong khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đang cân nhắc phương pháp này.
 
Trong khi đó, bộ trưởng Y tế các nước EU sẽ có cuộc họp vào cùng ngày nhằm bàn thảo các biện pháp chung trong toàn khối để ứng phó với sự xuất hiện của biến thể Omicron tại châu Âu.
 
Số ca nhiễm biến thể Omicron gia tăng tại châu lục này đang làm dấy lên quan ngại về nguy cơ dịch bệnh trầm trọng thêm trước thềm Giáng sinh.
 
Theo thống kê của ECDC ngày 6/12, tổng cộng có 212 ca nhiễm biến thể Omicron tại các nước EU và các nước liên kết Iceland và Na Uy.
 
Bồ Đào Nha ghi nhận số ca mắc biến thể này cao nhất với 34 ca, Đan Mạch là 32 ca, Pháp là 25 ca và Na Uy là 19. Trong khi đó, Anh ngày 6/12 thông báo đã ghi nhận 336 ca nhiễm biến thể này, tăng gấp đôi trong vòng 48 giờ qua.
 
(Theo Vietnam+)