Đại học Oxford cho biết các vaccine tiếp tục tạo ra mức độ bảo vệ rất cao đối với bệnh nhân COVID-19 thể nặng và đến nay không có bằng chứng cho thấy biến thể Omicron có sự khác biệt.
Đại học Oxford cho biết các vaccine tiếp tục tạo ra mức độ bảo vệ rất cao đối với bệnh nhân COVID-19 thể nặng và đến nay không có bằng chứng cho thấy biến thể Omicron có sự khác biệt.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Detroit, Michigan (Mỹ) |
Ngày 30/11, Đại học Oxford của Anh cho biết chưa có bằng chứng cho thấy các vaccine hiện nay không thể bảo vệ người nhiễm biến thể Omicron trở bệnh nặng.
Trong một tuyên bố, Đại học Oxford nêu rõ: "Bất chấp sự xuất hiện của các biến thể mới trong năm qua, các vaccine tiếp tục tạo ra mức độ bảo vệ rất cao đối với các bệnh nhân COVID-19 thể nặng và đến nay không có bằng chứng cho thấy biến thể Omicron có sự khác biệt (so với các biến thể khác)."
Đại học Oxford cho biết đến nay, dữ liệu về biến thể Omicron vẫn hạn chế, do vậy trường sẽ đánh giá một cách cẩn thận về tác động của vaccine ngừa COVID-19 do trường phối hợp với hãng dược phẩm AstraZeneca bào chế đối với biến thể mới này.
Đại học Oxford cũng nhấn mạnh sẵn sàng phát triển một phiên bản vaccine cập nhật với hãng AstraZeneca nếu thấy cần phải làm như vậy.
Cùng ngày, công ty dược phẩm Regeneron cho biết hỗn hợp kháng thể cũng như các loại thuốc tương tự điều trị COVID-19 của hãng có thể mang lại ít hiệu quả hơn trong phòng chống biến thể Omicron.
Theo hãng dược phẩm trên của Mỹ, các phân tích cho thấy những đột biến của biến thể Omicron là dấu hiệu cho thấy khả năng vô hiệu hóa virus sẽ giảm ở hệ miễn dịch được tạo ra nhờ tiêm vaccine và phương pháp điều trị bằng kháng thể đơn dòng.
Hãng Regeneron cũng cho biết hiện chưa có dữ liệu đầy đủ về liệu các kháng thể và vaccine ngừa COVID-19 hiện nay mang lại sự bảo vệ ít hơn trong phòng chống biến thể Omicron.
Đại học Oxford và hãng Regeneron đưa ra các nhận định trên sau khi Giám đốc điều hành hãng dược phẩm Moderna, Stephane Bancel trước đó cùng ngày cho rằng nhiều khả năng các loại vaccine phòng COVID-19 hiện nay có hiệu quả không cao trước biến thể Omicron như đối với biến thể Delta.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các nhà khoa học đến nay cũng cho rằng sẽ phải mất vài tuần mới biết liệu biến thể Omicron có khiến người mắc bệnh trở nặng hay không hoặc biến thể này có thể "lẩn tránh" được hệ miễn dịch được tạo ra nhờ tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Các hãng sản xuất vaccine hiện nay đang chuẩn bị cho tình huống xấu nhất là các vaccine lưu hành hiện nay mang lại ít hiệu quả trong ngăn chặn biến thể mới.
Ngày 29/11, một số hãng dược phẩm thông báo đã bắt đầu nghiên cứu phát triển các loại vaccine đặc hiệu chống Omicron.
Biến thể Omicron được phát hiện đầu tiên ở Nam Phi và hiện đã lây lan ra một số nước trên thế giới. WHO đã xác định đây là "biến thể đáng quan ngại".
(Theo TTXVN)