75% tác dụng phụ của vaccine ngừa COVID-19 có thể do "hiệu ứng nocebo"

05:01, 20/01/2022
Theo các nhà nghiên cứu, khoảng 75% tác dụng phụ sau khi tiêm vaccine COVID-19 có thể là do hiệu ứng nocebo, nghĩa là người tiêm lo lắng hoặc nhầm lẫn phản ứng cơ thể bình thường là bị tác dụng phụ.
 
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Modiin, Israel, ngày 12/1/2022.
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Modiin, Israel, ngày 12/1/2022.
 
Khoảng 75% các tác dụng phụ được báo cáo sau khi tiêm vaccine ngừa COVID-19 có thể là do "hiệu ứng nocebo" liên quan đến tâm lý người bệnh.
 
Đây là kết quả của một nghiên cứu quy mô lớn dựa trên các dữ liệu được thu thập từ 12 cuộc thử nghiệm vaccine.
 
Hiệu ứng giả dược là một khái niệm không còn quá xa lạ với nhiều người, chỉ trường hợp người bệnh được điều trị bằng giả dược nhưng nghĩ rằng thuốc đó có hiệu quả.
 
Trong một số trường hợp, bệnh nhân gặp những tác dụng phụ tiêu cực do dùng giả dược. Hiện tượng này được gọi là "hiệu ứng nocebo."
 
Các nhà khoa học tại Trung tâm Y khoa Beth Israel Deaconess (BIDMC) ở Boston (Mỹ) đã tiến hành nghiên cứu dữ liệu của trên 45.000 người tham gia 12 cuộc thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19.
 
Kết quả cho thấy hơn 35% những người dùng giả dược đã báo cáo các tác dụng phụ toàn thân sau mũi đầu tiên như sốt, nhức đầu và mệt mỏi.
 
Tỷ lệ người báo cáo có tác dụng phụ tương tự trong nhóm được tiêm vaccine thật là khoảng 46%.
 
Tỷ lệ gặp hiệu ứng nocebo đã giảm sau mũi vaccine thứ 2, khi chỉ 32% những người dùng giả dược báo cáo các tác dụng phụ toàn thân, còn ở những người tiêm vaccine thật là 61%.
 
Điều này cho thấy các tác dụng phụ thực sự có khả năng xảy ra cao hơn sau mũi vaccine thứ 2. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu vẫn tính toán khoảng 50% tác dụng phụ sau mũi vaccine thứ hai có thể là do hiệu ứng nocebo.
 
Bà Julia Haas, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết các tác dụng bất lợi sau khi điều trị bằng giả dược thường xảy ra trong các thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng.
 
Theo bà Haas, việc thu thập bằng chứng có hệ thống liên quan đến hiệu ứng nocebo này trong các thử nghiệm vaccine có ý nghĩa quan trọng đối với chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 trên toàn thế giới, đặc biệt khi có nhiều người còn do dự chưa muốn tiêm vaccine do lo ngại gặp tác dụng phụ.
 
Về phần mình, ông Ted Kaptchuk, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết các triệu chứng không cụ thể như đau đầu và mệt mỏi – có thể được coi là triệu chứng đặc thù của hiệu ứng nocebo – cũng là những tác dụng phụ phổ biến được liệt kê sau khi tiêm vaccine ngừa COVID-19 trên nhiều tờ rơi về thông tin tiêm chủng.
 
Theo ông Kaptchuck, các bằng chứng chỉ ra rằng thông tin như trên có thể khiến người tiêm lo lắng hoặc nhầm lẫn những cảm nhận cơ thể bình thường là phản ứng sau khi tiêm vaccine.
 
Ông cho rằng, mặc dù việc khuyến cáo các tác dụng phụ trước khi tiêm chủng có thể khiến gia tăng hiệu ứng nocebo, song việc không phổ biến thông tin này với người tiêm không phải là giải pháp vì "việc sử dụng thuốc men cần dựa trên lòng tin."
 
Các tác giả nghiên cứu cho rằng việc phổ biến thông tin về hiệu ứng nocebo cho người dân có thể là giải pháp hiệu quả nhất để giảm các tác dụng phụ sau tiêm vaccine ngừa COVID-19, cũng như giúp người dân giảm tâm lý lo lắng khi tiêm chủng.
 
Điều này cũng đồng nghĩa với việc các cơ quan chức năng cần chuyển trọng tâm sang việc nâng cao chiến lược hỗ trợ tâm lý cho bệnh nhân, từ đó cải thiện hiệu quả điều trị cũng như giảm thiểu tâm lý do dự tiêm vaccine trong cộng đồng.
 
(Theo TTXVN)