Cần nghiên cứu sâu về hậu quả dài hạn của COVID-19 với hệ thần kinh

06:01, 26/01/2022
Nhóm nghiên cứu khẳng định các nhà khoa học cần tiếp tục nghiên cứu sâu hơn nữa để từ đó có thể thiết lập sinh lý bệnh của những biến chứng thần kinh tồn tại sau khi mắc COVID-19.
 
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19.
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19.
 
Tạp chí khoa học Science vừa đăng tải kết quả một nghiên cứu sâu về những hậu quả của COVID-19 đối với hệ thống thần kinh trung ương của con người.
 
Hội chứng hô hấp cấp nghiêm trọng do virus SARS-CoV-2, tác nhân gây bệnh COVID-19, được xem là tác nhân gây bệnh đường hô hấp, cũng như các biến chứng liên quan đến hệ thần kinh và rối loạn thần kinh cơ ở một số bệnh nhân.
 
Trên thực tế, một số bệnh nhân gặp phải những triệu chứng dai dẳng như đau đầu, rối loạn cảm giác, suy giảm khả năng tập trung, trầm cảm và rối loạn tâm thần vài tháng sau khi mắc COVID-19. Hiện tượng này được gọi những hậu quả kéo dài của COVID-19 (Long COVID-19).
 
Những người mắc các triệu chứng COVID-19 kéo dài chủ yếu dưới 50 tuổi và khỏe mạnh trước khi nhiễm COVID-19, và phần lớn chưa từng phải nhập viện vì COVID-19 cấp tính.
 
Hiện giới khoa học vẫn chưa thể xác định chắc chắn liệu có khả năng xảy ra những biến chứng thần kinh khó lường trước nhiều năm sau khi mắc COVID-19 hay không.
 
Các nghiên cứu ban đầu về hội chứng thần kinh liên quan đến COVID-19 đã ghi nhận những thay đổi về chức năng nhận thức suy yếu ở bệnh nhân nhập viện, trong khi nhiều nghiên cứu khác ghi nhận tình trạng viêm hoặc khử men của hệ thần kinh trung ương hoặc hệ thần kinh ngoại vi.
 
Với sự gia tăng số ca mắc COVID-19, ngày càng nhiều bằng chứng về các rối loạn ngoài hô hấp ảnh hưởng tới nhiều hệ cơ quan ở bệnh nhân mắc COVID-19.
 
Chẳng hạn, một nghiên cứu về bệnh nhân nhập viện ở Anh cho biết thường xuyên ghi nhận các triệu chứng thần kinh là mất khứu giác, đột quỵ, bệnh về não, viêm não, mê sảng, hội chứng thần kinh ngoại biên và hội chứng tâm thần nguyên phát.
 
Nhiều nghiên cứu khác cũng đã xác định có những điểm tương đồng của COVID kéo dài với những triệu chứng được ghi nhận ở bệnh viêm cơ não tủy/hội chứng mệt mỏi mãn tính (ME/CFS).
 
Tuy nhiên, giống như COVID kéo dài, giới khoa học đến nay cũng chưa hiểu rõ về ME/CFS cũng như thiếu các liệu pháp điều trị bệnh hiệu quả. Nghiên cứu sâu hơn về COVID-19 kéo dài cũng có thể có lợi cho bệnh nhân ME/CFS.
 
Bên cạnh đó, tình trạng viêm dây thần kinh và tổn thương tế bào thần kinh cũng khiến nhiều nhà khoa học lo ngại về khả năng phát triển của những bệnh thoái hóa thần kinh như Alzheimer’s hoặc Parkinson trong tương lai do COVID-19 cấp tính.
 
Hiện COVID kéo dài không được ghi nhận ở trẻ nhỏ do các em chỉ biểu hiện những triệu chứng nhẹ và ít rối loạn thần kinh. Tuy nhiên, những em nhỏ mắc hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em có thể có nguy cơ cao mắc những biến chứng liên quan đến hệ thần kinh.
 
Nhóm nghiên cứu khẳng định các nhà khoa học cần tiếp tục nghiên cứu sâu hơn nữa để từ đó có thể thiết lập sinh lý bệnh của những biến chứng thần kinh tồn tại sau khi mắc COVID-19 và đưa ra những biện pháp điều trị can thiệp hiệu quả nhằm giảm thiểu tác động của COVID kéo dài.
 
(Theo Vietnam+)