WHO cảnh báo nguy cơ xuất hiện biến thể mới lây lan cao hơn Omicron

06:01, 27/01/2022
Trưởng nhóm kỹ thuật thuộc Chương trình Y tế khẩn cấp của WHO dự báo biến thể tiếp theo của virus SARS-CoV-2 sẽ có khả năng lây lan cao hơn nữa vì chúng phải “vượt mặt” các biến thể đang hoành hành.
 
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Berlin, Đức.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Berlin, Đức.
 
Bà Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật thuộc Chương trình Y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), dự báo trong năm nay sẽ có nhiều phương pháp mới điều trị COVID-19 và biến thể tiếp theo của virus SARS-CoV-2 sẽ có khả năng lây lan cao hơn nữa vì chúng phải “vượt mặt” các biến thể đang hoành hành hiện nay.
 
Theo bà Van Kerkhove, không nên xuôi theo giả thuyết rằng virus sẽ tiếp tục biến đổi thành các chủng nhẹ hơn khiến con người ít mắc COVID-19 nặng hơn so với các biến thể trước đó, do hiện chưa có các nghiên cứu đầy đủ chứng minh điều này.
 
Hơn nữa, một đợt bùng phát dịch COVID-19 khác liên quan tới biến thể mới cũng có thể né tránh “rào chắn” kháng thể được tạo ra từ việc tiêm vaccine, từ đó khiến các loại vaccine hiện có giảm hiệu quả phòng bệnh.
 
Chính vì vậy, bà Van Kerkhove nhấn mạnh rằng người dân vẫn cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa an toàn. 
 
Trong khi đó, Tiến sỹ Mike Ryan, Giám đốc các chương trình khẩn cấp của WHO cho biết virus sẽ tiếp tục biến đổi cho đến khi phát triển ở dạng ổn định và hy vọng rằng dịch bệnh sẽ lắng xuống với mức độ lây truyền thấp hơn trong tương lai và sẽ có thể xuất hiện theo mùa hoặc chỉ ảnh hưởng đến các nhóm dễ tổn thương.
 
Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng COVID-19 không thể đoán trước được, do đó giới chức y tế thế giới cần tiếp tục theo dõi dịch bệnh này khi virus SARS-CoV-2 tiếp tục biến đổi để có thể áp dụng các biện pháp phòng ngừa phù hợp, giúp hạn chế tối đa thiệt hại tiềm tàng trong tương lai. 
 
Hiện công ty sản xuất dược phẩm Pfizer của Mỹ và công ty công nghệ sinh học BioNTech của Đức đã bắt đầu thử nghiệm vaccine đặc hiệu ngừa biến thể Omicron, vì lo ngại rằng các vaccine hiện nay không phòng chống được khả năng lây nhiễm và làm giảm các biến chứng nặng do biến thể được phát hiện cách đây khoảng 2 tháng này.
 
Theo nghiên cứu do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ công bố hồi tuần trước, một mũi tăng cường vaccine của Pfizer/BioNTech có hiệu quả phòng ngừa tới 90% nguy cơ phải nhập viện do Omicron kể từ 14 ngày sau khi tiêm mũi thứ ba.
 
Trong khi đó, Cơ quan An ninh Y tế Anh đầu tháng này công bố nghiên cứu cho thấy mũi tăng cường đầu tiên giúp giảm tới 75% triệu chứng nhiễm bệnh do biến thể Omicron gây ra kể từ 2 đến 4 tuần sau khi tiêm.
 
Tuy nhiên, nghiên cứu phát hiện ra rằng mũi tăng cường giảm hiệu quả phòng bệnh khoảng 10 tuần sau tiêm xuống mức chỉ còn từ 45% đến 50%.
 
(Theo TTXVN)